Theo các chuyên gia, với thị trường được hình thành có sự tham gia của nhiều người bán, khách hàng tiêu thụ điện sẽ được lựa chọn nhà cung cấp với mức giá hợp lý.
Đó là thông tin mới nhất được đưa ra tại Hội thảo "Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/3/2015 tại Hà Nội. Theo thiết kế chi tiết VWEM do các chuyên gia tư vấn nước ngoài đưa ra, bao gồm bên bán, bên mua và các đơn vị cung cấp dịch vụ, điểm mới là, nếu như trong thị trường phát điện cạnh tranh mới có khoảng trên 50% số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường thì sang thị trường bán buôn dự kiến, sẽ bao gồm hầu hết các đơn vị phát điện, như các nhà máy BOT hay các nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu cũng sẽ được tham gia chào giá.
Đa dạng thành phần mua – bán điện
Đặc biệt, các khách hàng lớn đủ điều kiện cũng có thể trực tiếp mua buôn tại các nhà máy điện, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay. Thị trường điện bán buôn cạnh tranh:
Người mua được quyền chọn nhà cung cấp?
Các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ bao gồm các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO), được tách biệt hoàn toàn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV); đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải điện (ETSP), đơn vị cung cấp dịch vụ phân phối điện (EDSP), đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu đo đếm (MDMSP).
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc EVN, đề xuất tách SMO là hợp lý, song EVN lại không tán thành việc chuyển SMO hay các nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu (SMHP) thành công ty TNHH MTV.
"Việc thành lập công ty TNHH MTV là không hợp lý. Bởi đề xuất này sẽ làm tăng thêm đầu mối quản lý tổ chức hiện nay, làm tăng chi phí của EVN. Chúng tôi cho rằng nên để các nhà máy điện này tự chào giá và cần có quy định chặt chẽ để các nhà máy điện này thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác như chống hạn, phục vụ nông nghiệp và chống lũ. Đồng thời, việc lập ra một đơn vị trong EVN để chào giá thay cho các nhà máy điện cũng là không khả thi trên thực tế. Đề nghị phương án khuyến khích các nhà máy điện này tự tham gia", ông An nói.
![]() |
Theo Gs. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, thiết kế chi tiết của VWEM lần này có những tiến bộ trong cấu trúc thị trường, các đối tác tham gia cũng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vai trò của các công ty phân phối mua điện thì còn "nghiên cứu nhiều", bởi việc mua điện từ EVN hiện vẫn mang tính bao cấp và cân bằng lợi ích nên giá mua điện đầu vào giữa các đơn vị khác nhau.
"Đơn cử, Tổng công ty điện lực Tp. HCM, hay Hà Nội thường phải mua giá cao hơn, còn những đơn vị khó khăn hơn như Tổng công ty Điện lực Miền Trung thì được mua giá thấp hơn để cân bằng lợi ích. Điều này không thể được thực hiện trong thị trường bán buôn cạnh tranh, bởi khi ký hợp đồng ai mua cũng đều một giá", Gs. Long đánh giá.
Cải thiện hạ tầng và nhân lực
Trong thiết kế chi tiết lần này có sự tham gia của đơn vị quản lý các dữ liệu đo đếm. Theo Gs. Long, đây là vấn đề bức xúc của khách hàng bởi hiện nay, đơn vị bán điện lại vừa quản lý công tơ. Do đó, vấn đề đặt ra trong cơ cấu của VEWM, là công ty quản lý dữ liệu đo đếm có trực tiếp quản lý công tơ, và tách biệt độc lập hoàn toàn với đơn vị bán điện hay không? Đồng thời, việc cho nhiều đối tượng tham gia vào VWEM như các nhà máy thuỷ điện trên 30MW, khách hàng lớn… thì vấn đề quản lý càng phức tạp hơn nên đòi hỏi cơ sở kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo cho nhiều đối tượng tham gia cùng lúc.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc mở rộng đối tượng tham gia vào VWEM sẽ mang lại lợi ích lớn cho chính người dùng điện và đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay chính là năng lực của các cán bộ vận hành, trong khi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự vận hành thành công của thị trường.
Do đó, ông Tuấn cho rằng các đơn vị phát điện cần tập trung đầu tư nhà máy, cơ sở hạ tầng trên cơ sở thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng cho các nhà máy tham gia thị trường được Bộ Công Thương phê duyệt trong thời gian tới. Đồng thời, chú trọng xây dựng chương trình nâng cao năng lực cán bộ nhân viên, đáp ứng yêu cầu khi tham gia thị trường.
Trong tháng 5 tới đây, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện thiết kế chi tiết thị trường VWEM để trình Bộ Công Thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015. Đồng thời, để phục vụ cho việc đưa vào vận hành thí điểm VWEM vào năm 2016, sẽ triển khai tái cơ cấu ngành điện phù hợp nhu cầu thị trường; hoàn chỉnh quy định thị trường điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và xây dựng đề án phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho các đơn vị tham gia thị trường.
Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Cần phải xác định yêu cầu độc lập của SMO phù hợp với yêu cầu vận hành VWEM và hệ thống điện quốc gia. Cân nhắc kỹ lộ trình tách SMO ra độc lập phù hợp với yêu cầu bảo đảm ổn định và an ninh cung cấp điện, kết hợp với việc nâng cao tính minh bạch, công bằng trong vận hành VWEM. Đồng thời xác định rõ yêu cầu độc lập của Cơ quan điều tiết điện lực trong việc phát triển thị trường điện lực cạnh tranh qua các cấp độ, qua đó xác định lộ trình tách Cơ quan điều tiết điện lực độc lập, phát triển Hội đồng/Ủy ban điều tiết điện lực trong tương lai; xây dựng cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT. Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN Việc triển khai giai đoạn 2 của thị trường điện – giai đoạn thí điểm VWEM là không dễ dàng. Nhất là đối với việc chuyển từ một đơn vị mua buôn duy nhất như hiện nay (Công ty Mua bán điện) sang nhiều đơn vị mua buôn sẽ phức tạp hơn nhiều. Hiện tại, nhiệm vụ hoàn thiện kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực đang được EVN tích cực triển khai, đảm bảo thí điểm thành công thị trường bán buôn điện cạnh tranh ngay trong năm 2015 theo đúng quy định. GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Thị trường bán buôn điện cạnh tranh được xác định là cần có nhiều nhà máy tham gia, cả nhà máy thủy điện nhỏ và nhà máy đa mục tiêu. Liệu chúng ta có đạt được hay không? Những yếu tố cần và đủ để cho các nhà máy này tham gia; Những khách hàng lớn có thể mua buôn trực tiếp từ nhà máy điện, vậy tiêu chí đối với khách hàng lớn là như thế nào? Với việc phát triển thị trường bán buôn, trước mắt những khách hàng lớn được đấu nối vào lưới truyền tải sẽ được ưu tiên tham gia mua bán buôn. Vậy khi tiêu chí khách hàng lớn giảm, số lượng khách hàng lớn nhiều lên thì việc quản lý, vận hành hệ thống lưới điện sẽ phức tạp hơn. |
Cẩm An