Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) sắt thép tăng mạnh gần 41% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,05 triệu tấn, kim ngạch 2,99 tỷ USD. Tuy nhiên, mối lo nhất của ngành thép hiện nay là XK liên tục đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu.
Xuất khẩu lo bị kiện
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, từ ngày 16/7 tới nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ thương mại tại 7 thị trường gồm Thái Lan, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Ấn Độ.
Trong đó, tại thị trường Mỹ, chỉ cách nhau vài ngày, thép Việt Nam liên tiếp hai lần bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp.
Cụ thể, ngày 27/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp từ Hàn Quốc và thuế CBPG đối với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).
Tiếp đó, ngày 2/8, DOC lại khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Đặc biệt, nếu như trước đây, thép Việt thường phải đối mặt với việc bị Mỹ, EU, Canada kiện, đến nay ở các thị trường ASEAN cũng đang xảy ra tình trạng tương tự.
Ngày 16/7, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần hai đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn của Việt Nam.
Ngày 24/7, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Thậm chí, trước đó, tháng 6/2018, Indonesia đã chính thức công bố áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức từ 12,01-28,49% trong 5 năm. Thị trường này hiện chiếm tới 60% lượng XK của ngành thép Việt Nam.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong 78 vụ kiện về CBPG mà Việt Nam phải đối mặt hai năm gần đây có đến 37 vụ liên quan tới ngành thép. Nếu tính trên các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, số vụ liên quan đến ngành thép còn cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, đánh giá thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ trên thế giới. Ngành thép Việt Nam bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng XK của thép Việt.
Thép Trung Quốc chiếm tới 48% thị phần thép nhập khẩu vào Việt Nam |
"Bãi đáp" thép Trung Quốc?
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay, sản lượng thép của Trung Quốc đạt 803,83 triệu tấn nhưng nhu cầu của nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn.
Do đó, với lượng thép dư thừa cao, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nếu không XK được sang Mỹ, thép Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm tới Việt Nam.
Thực tế thời gian qua, theo Tổng cục Hải quan, thép Trung Quốc chiếm tới 48% thị phần thép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này càng khiến nhiều nước nghi ngờ thép Trung Quốc "đội lốt" thép Việt để XK, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thép Việt.
Vừa qua, DOC đã áp mức thuế CBPG 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Vì vậy, ông Sưa khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) lưu ý khi làm hàng XK sang Mỹ cần hết sức chú ý sử dụng nguyên liệu trong nước, tránh bị làm khó, có cớ đánh thuế mạnh lên thép Việt.
Hơn nữa, hiện nay, Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường. Vì vậy, các DN thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Trong khi đó, cơ bản sản xuất thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, VSA nêu quan điểm, Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có chăng chỉ thu hút đầu tư vào các loại thép cao cấp như thép hợp kim, không gỉ, thép chế tạo.
Đồng thời, đại diện VSA kiến nghị, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ ngành thép như sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép trong nước, tránh tình trạng thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt tràn vào gây bất lợi cho thép Việt.
Với mạng lưới thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cung cấp thông tin hữu ích giúp ngành thép mở rộng thị trường.
Đồng quan điểm, đại diện CTCP Thép Việt Ý cho biết DN trong nước lo nhất là làn sóng đầu tư của DN thép Trung Quốc sang Việt Nam để lấy nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Nhà nước và DN cần duy trì mối quan hệ tốt với hiệp hội nhập khẩu của Mỹ để họ có những tiếng nói nhất định tác động lên chính sách.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để hạn chế ảnh hưởng của ngành thép từ việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ gây khó khăn cho XK, DN cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời học hỏi nắm bắt rõ luật thương mại quốc tế cũng như của các nước XK.
Bên cạnh đó, DN cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường XK mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định mở rộng công suất.
Lê Thúy
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) Thép XK là mặt hàng có mức độ cạnh tranh rất cao. Vì vậy, Việt Nam không nên chỉ XK thép vào một số thị trường, mà phải đa dạng thị trường hơn nữa. DN sản xuất cùng với các nhà tư vấn, tham tán cần có sự liên kết, hợp tác thông tin để hiểu rõ hơn tính chất thị trường trước khi quyết định lựa chọn nơi XK. Ông Lương Kim Thành - Cục Phòng vệ thương mại Khi bị khởi xướng điều tra, các DN cần tham gia vào công tác kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp. Đồng thời, DN phải tăng cường phối hợp với DN cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề, thống nhất câu trả lời. Nếu không thống nhất một vấn đề nhỏ, có thể cơ quan điều tra sẽ dùng căn cứ để áp dụng mức thuế cao hơn. Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Trong tình cảnh bị kiện ở nước ngoài, ngành thép cần phải bảo vệ bằng được thị trường thép trong nước, ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. |