Ngày 5/12/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế AD và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu (NK) từ Việt Nam. Theo đó, DOC sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với 2 sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để XK sang Mỹ.
Thép Việt sẽ lao đao
Trước đó, năm 2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Mỹ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.
Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội NK từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc.
Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Mỹ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các DN sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Ngay sau thông báo này, Bộ Công Thương đã lên tiếng cho rằng theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó.
Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Mỹ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự “chuyển đổi đáng kể” và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình “chuyển đổi đáng kể” nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao.
Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự “chuyển đổi đáng kể” như DOC đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như DOC cáo buộc”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.
Bình luận về vụ việc trên, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng giải pháp trước mắt để DN Việt Nam thoát khỏi “nghi án” này là phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm tôn mạ, thép cán nguội hoàn toàn xuất xứ từ Việt Nam hoặc có đầu vào NK từ các nước mà Mỹ không áp thuế AD. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, phía Việt Nam cần thuê luật sư để chứng minh điều này.
Một chuyên gia khác bày tỏ, để hóa giải cáo buộc này, việc cần làm của DN sản xuất thép Việt Nam là phải chứng minh được tỷ lệ gia công, chế biến của mình chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị. Trong trường hợp này, tỷ lệ chế biến của Việt Nam phải chiếm 80 – 90% giá trị sản phẩm thì mới có thể khẳng định rằng mình sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc nhưng vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam vì đã có sự chuyển đổi đáng kể, giá trị chất xám trong sản phẩm thép do chính Việt Nam tạo ra.
![]() |
Thép Việt Nam bị nhiều thị trường cảnh báo vì nghi án “đội lốt” Trung Quốc
Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Đây không phải là lần đầu thép Trung Quốc bị nghi gian lận thép Việt. Tháng 11 vừa qua, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, thép tráng hữu cơ do DN Trung Quốc sản xuất đã được XK sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi XK sang châu Âu. Việc dùng chiêu trò này đã giúp DN thép Trung Quốc trốn được khoản thuế AD gần 8,2 triệu Euro (9,6 triệu USD) từ EU.
OLAF nhận định, đến nay, mặc dù không dính nghi án gian lận nhưng Việt Nam đang được cho là địa điểm trung gian để các DN Trung Quốc thực hiện nhiều mánh khóe thương mại về thép.
Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, NK sắt thép về Việt Nam trong tháng 10/2017 tăng 13% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với tháng 9/2017, đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 791,81 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2017, cả nước nhập hơn 12,7 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 7,48 tỷ USD, giảm 17,5% về lượng nhưng kim ngạch tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 48% tổng lượng sắt thép NK của cả nước. Theo đó, trong 10 tháng NK gần 6,11 triệu tấn sắt thép Trung Quốc, trị giá gần 3,49 tỷ USD.
Thực tế hiện nay, ngành thép Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc NK nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Một số sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được trong nước bắt buộc DN phải NK hoàn toàn từ nước ngoài.
Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu thép trong nước rất hiếm, hầu như chỉ có Formosa cung cấp số lượng lớn, còn lại phần lớn các DN phải NK nguyên liệu từ các nước, trừ một số DN có thể sản xuất thép xây dựng từ nguyên liệu quặng của mình.
Điều này đặt ra vấn đề, giải pháp lâu dài là Việt Nam phải tìm được nguồn nguyên liệu cho ngành XK thép nếu không muốn bị áp thuế AD cao, cũng như Trung Quốc không thể dùng chiêu trò để hưởng lợi thế về thuế XK của Việt Nam.
Cùng với đó, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).cho rằng cơ quan chức năng phải thường xuyên theo dõi để nắm được nước nào bị đánh thuế AD, CVD và nguy cơ DN nước đó có thể chạy sang nước khác để tránh thuế.
“Những người làm chính sách phải tìm hiểu những điều này để hướng dẫn DN, tìm ra bản chất những nhà đầu tư né thuế, bảo vệ lợi ích nói chung của cộng đồng DN Việt Nam một cách hợp lý, chứ không phải khuyến khích đầu tư bằng mọi giá”, ông Huỳnh lưu ý.
Đi kèm với đó, ông Huỳnh cũng khuyến nghị, bản thân DN Việt cần phải tỉnh táo trước những bài học về lẩn tránh thuế để không bị lợi dụng. Có chuyện DN của nước A. bị đánh thuế chuyển sang nước B. với danh nghĩa có gia công, chế biến nhưng thực chất không đến nơi đến chốn, khi nước B. bị “sờ gáy” thì họ lại giải tán, chạy sang đầu tư vào nước C.
Đồng thời, theo đánh giá của các chuyên gia, đang có tình trạng nhiều DN Việt đặt lợi nhuận lên trên hết, tức là mua phôi thép của Trung Quốc về gia công, chế biến thành sản phẩm gắn mác Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam DN sản xuất thép Việt Nam cần phải đoàn kết, thống nhất trong việc nếu nhập nguyên liệu của Trung Quốc thì cũng chỉ nên làm và bán trong nội địa, còn đã XK sang Mỹ thì phải minh bạch hồ sơ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất thế nào. Để một hàng hóa nào đó được hưởng ưu đãi về thuế suất thì cần đáp ứng được tiêu chuẩn về xuất xứ theo các cam kết hoặc các hiệp định đã ký với các nước. Do vậy, để được hưởng ưu đãi thuế cần nằm vững quy tắc xuất xứ để tổ chức sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm hàng của quốc gia mình chứ không phải hàng của nước thứ ba “mượn đường” xuất khẩu. Nếu Mỹ quyết định áp thuế với tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam sẽ ảnh hưởng một phần đến DN trong nước. Tuy nhiên, nếu chủ động và biết ứng phó, chứng minh rõ ràng nguồn gốc sản phẩm của mình thì không phải quá lo lắng. |