Đầu tháng 7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Bán dẫn liên tiếp nhận tin vui
Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Trước đó, Amkor dự kiến phân kỳ đầu tư đến năm 2035 mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD, tuy nhiên sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023, tập đoàn này đã quyết định đầu tư sớm 11 năm so với dự kiến.
Trước đó, tháng 6, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.
Ngành bán dẫn Việt Nam đối diện bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao. |
Từ tháng 6/2023, Foxconn cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 250 triệu USD cho hai nhà máy sản xuất linh kiện xe điện ở Quảng Ninh. Ngoài ra, cũng có thông tin công ty con của Foxconn - ShunSin Technology, lên kế hoạch đầu tư 20 triệu USD để thành lập công ty bán dẫn mới có tên ShunSin Technology Việt Nam.
Ngoài Amkor, Foxconn, nhiều cái tên quen thuộc khác như Samsung, Qualcomm, Infineon cũng đã có dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới tỷ USD tại Việt Nam.
Việc các “ông lớn” liên tục rót vốn xây dựng mới, mở rộng nhà máy một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Bán dẫn là công nghệ lõi, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu... Được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và sự phát triển vượt bậc của công nghệ mới, ngành bán dẫn đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Hiệp Hội Công Nghiệp Bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.
Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Trong chuyến thăm Tổ hợp bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định ưu tiên thúc đẩy công nghiệp bán dẫn và AI của đất nước. Việt Nam hoan nghênh, khuyến khích, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn đầu tư phát triển ngành này.
Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn.
Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học Mỹ, bao gồm khoản tài trợ 500 triệu USD để nâng cao đào tạo về chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Nguy cơ bị “cướp” nguồn nhân lực
Tuy sở hữu nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng có những thách thức phải đối mặt để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh thu hút ngành này.
Việt Nam đang thiếu kỹ sư trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn.
Giáo sư Jeong Moon-seok, Đại học Hanyang, Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ nhiều quốc gia đang cố gắng “cướp” nguồn nhân lực bán dẫn của nhau, có nhiều chính sách để hút nguồn nhân lực này. Việt Nam cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho ngành bán dẫn. Ngoài huy động nhân lực tại chỗ, Việt Nam cần huy động trí tuệ, nguồn lực người Việt toàn cầu, cũng như huy động nguồn lực từ các nước, trong đó có Hàn Quốc, kể cả tài nguyên từ những nhà khoa học đã nghỉ hưu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến phát triển năng lực lao động để tăng sự cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Sản xuất bán dẫn có hai lĩnh vực chính: Nghiên cứu và phát triển (R&D) và Chế tạo. Cả hai quy trình đều có yêu cầu về lao động cao.
Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
“Việt Nam đang có lợi thế nhất và cần tận dụng cơ hội về nhân lực bán dẫn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc giải bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ nâng cao thêm vị trí của Việt Nam trong các điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề nhân lực, việc đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn cũng kéo theo nhu cầu về nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả.
Theo ông Thomas Rooney, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa thực sự được hoàn thiện, đặc biệt là đường dây truyền tải điện trong những tháng cao điểm và hệ thống cung ứng điện tại Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Trong khi công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng từ các ngành công nghiệp tiên tiến như bán dẫn, Việt Nam cần đẩy nhanh các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.
“Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị chuyên gia nhận định.
Đỗ Kiều