Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý. Theo đó, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến “điểm đáy" suy giảm?
Điều đặc biệt về năm 2024
"Cũng có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon, như nhận định của Giám đốc bộ phận vĩ mô, Ngân hàng Goldman Sachs", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói, đồng thời cho rằng cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Việt Nam phải chủ động để nâng cao nội lực nhập đường đua phục hồi tăng trưởng. |
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, năm 2024, dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, thực tiễn có thể mở ra những thuận lợi hơn, tuy nhiên tất cả con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực trong năm nay đều thấp hơn con số của năm 2023.
Trong khi đó, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Từ trao đổi của các chuyên gia đã cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội mới, song theo ông Cường, rõ ràng trong bối cảnh nếu chúng ta chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu thì khó có thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung.
Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
Trong các động lực tăng trưởng quan trọng, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng không thể không nhắc đến gần đây chúng ta đang thấy rõ quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, với quyết tâm tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024.
“Trong đó chúng ta không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành với họ. Đặc biệt để làm được việc đó, chúng ta cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, và tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ”, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho hay.
Mặt khác, cần có sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, song ông Cường nhấn mạnh không thể thiếu vai trò này từ chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam.
“2024 có lẽ là năm cơ hội hiếm có không lặp lại nếu các nhà đầu tư không tranh thủ để chớp lấy. Nếu không chúng ta có thể đánh mất cơ hội, các nhà đầu tư sẽ không chuyển đổi được vào các ngành sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị cao. Điều này tôi cho rằng rất cần sự hành động từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, GS.TS. Hoàng Văn Cường tái khẳng định.
Làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn
Cũng nhấn mạnh ở nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh 2023 thực sự là một năm rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Những điểm tối năm 2023 trong bức tranh doanh nghiệp lại đến từ khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện qua nhiều con số như số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục…
Vì vậy, sang năm 2024, ông Tuấn nhấn mạnh, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ đó là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
Ông Tuấn bày tỏ rằng: Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều”. Theo đó, chúng ta hãy chuyển từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Dưới khía cạnh doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Nhưng điều rất quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.
Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương hiện nay đó là đang có tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.
“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương. Có rất nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế. Song vị chuyên gia này lưu ý về làn sóng chuyển dịch về sản xuất Trung Quốc+1 thực sự bắt đầu từ năm 2014 và mạnh mẽ từ 2018. Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp 'khủng long' như Apple, Samsung... nhưng để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, cần có hệ sinh thái đầy đủ của hệ thống doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như là chất lượng nhân công Việt Nam.
Nhật Linh