Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng DN đã hoàn thành thủ tục giải thể trong bảy tháng qua là hơn 6.600 DN, tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể trong bảy tháng đầu năm là gần 50.000 DN, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thân – Giám đốc công ty TNHH Con Đường Việt (Tp.HCM) – ví von, các DN nhỏ “chết lâm sàng” như những công trình xây dựng có nền móng yếu, lại gặp “gió mạnh” từ chuyện cạnh tranh, vốn mỏng, chính sách không rõ ràng, thủ tục giấy phép loằng ngoằng, chi phí gia tăng… nên khó trụ vững, dễ dàng “gục” bất cứ lúc nào.
Chưa kịp lớn đã “khai tử”
Theo Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng hoạt động trong bảy tháng đầu năm 2017 đã tới hơn 43.200 DN, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số DN “chết lâm sàng” nhiều nhất với hơn 17.700 DN, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng với gần 6.100 DN, thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo với hơn 5.100 DN tạm ngừng hoạt động.
Nguyên nhân nào khiến “sức khỏe” của ba nhóm DN này bị yếu như vậy, chẳng hạn với DN ngành ô tô, xe máy? Để ý sẽ thấy, sức ép cạnh tranh khi thời điểm thuế suất ô tô giảm về 0% vào năm 2018 đã khiến các DN ngành này gặp nhiều áp lực lớn như giá thành cao, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, khả năng cạnh tranh và tỷ lệ nội địa hóa thấp, chất lượng xe có được cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu…
Chưa kể, những tháng đầu năm nay, các DN sản xuất, kinh doanh ô tô còn vấp phải khó khăn trong vấn đề thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy mới theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg (ngày 01/1/2017), đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô nhất là đối với dòng xe khách, xe tải, xe chuyên dụng, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ.
![]() |
DN nội sẽ khó lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và một môi trường chưa có nhiều cải thiện
Ngoài vấn đề khó khăn riêng của DN ngành ô tô, theo nhận định của giới chuyên gia, mấu chốt của tình trạng “chết lâm sàng” nằm ở chỗ là nhiều DN không thể lớn lên và phát triển mà ngày càng teo tóp vì khó khăn với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, rồi dẫn đến tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Như đánh giá của Ts. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sinh ra DN, quan trọng là phải nuôi được DN lớn lên và phát triển. Nhưng có tới hơn 92% DN phá sản là DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tức là chưa kịp lớn đã phải “khai tử”. Điều này cho thấy DN Việt Nam khó có thể lớn nổi và sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt cùng một môi trường chưa có nhiều cải thiện.
Giải tỏa “điểm nghẽn”
Trong câu chuyện “chết lâm sàng”, nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục phiền hà cho DN. Cũng nên nhắc lại, một cuộc khảo sát về thủ tục hành chính tại Việt Nam, vấn đề vẫn được cho là còn phức tạp, gây phiền hà cho DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, cho thấy: thủ tục thuế được các DN đánh giá là phiền hà nhất (30%), sau đó là thủ tục về đất đai (25%), giải phóng mặt bằng (19%), bảo hiểm xã hội (25%).
Một chủ DN thuộc dạng siêu nhỏ đã thở hắt ra khi nói về khâu thủ tục: “Tôi chuẩn bị ra kinh doanh, sản xuất đã gặp liền vài cái thủ tục và lằng nhằng các thứ nên rốt cuộc chết trước luôn. Các DN nhỏ làm không đủ nuôi các thủ tục rườm rà và những cán bộ không tốt”.
Riêng về vấn đề tài chính, một trong những yếu tố sống còn của DN, việc tiếp cận vốn vay vẫn vô cùng khó khăn. Quá trình xin vay vốn tại ngân hàng còn đòi hỏi nhiều văn bản giấy tờ, đặc biệt các yêu cầu xây dựng và chứng minh hiệu quả của phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, đang vượt quá khả năng của nhiều DN, nhất là DN nhỏ.
Theo ước tính, để tiếp cận vốn tín dụng, khoảng 45 – 65% số DN nhỏ cho rằng phải đối mặt phiền hà về thủ tục và bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, trong khi đó, tỷ lệ này ở các DN lớn chỉ ở mức 30 – 32%.
Nếu tiếp cận tài chính là một “điểm nghẽn” và trong điều kiện các yếu tố khác như nhau, nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ chịu tác động mạnh hơn các nhóm DN vừa và lớn do hạn chế về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, nên có nhiều DN siêu nhỏ và nhỏ đã phải chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao.
Theo Ts. Thiên, Chính phủ cần thực hiện tốt tuyên ngôn về giảm chi phí cho DN, cả chính thức lẫn không chính thức trên cơ sở giải tỏa các nút thắt đầu tư hạ tầng, nợ xấu, tiếp cận vốn…
Những việc này cần được tiến hành đồng bộ, đưa ra mục tiêu, cam kết rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện mới thực sự giúp DN đỡ “chết yểu”.
Và để ngăn tình trạng “chết lâm sàng” của nhiều DN, giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần cắt giảm mạnh hơn nữa các thủ tục và thời gian cấp phép liên quan đến giấy phép kinh doanh, đặc biệt là khởi sự kinh doanh.
Trong vấn đề DN “đóng cửa”, Ts. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Đại học Fulbright, đặc biệt lưu ý đến Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, và việc vận động hộ kinh doanh cá thể lên DN. Ông cho rằng điều mà DN cần trong lúc này chính là môi trường kinh doanh bình đẳng và các DN nhỏ trong lúc khó khăn không nên có tâm lý chờ đợi, dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ.
Thế Vinh