Số liệu đưa ra từ Bộ NN&PTNT cho thấy trong 10 tháng 2023, giá gạo xuất khẩu (XK) ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm trước. Nhờ tăng giá cao như vậy đã giúp cho kim ngạch XK gạo đạt gần 4 tỷ USD, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
“Non nớt” trước biến động thị trường
Với khả năng giá gạo XK vẫn duy trì mức giá cao trong 2 tháng còn lại của năm 2023 và dư địa XK vẫn còn lớn thì khả năng năm nay kim ngạch XK gạo sẽ đạt 4,2 - 4,3 tỷ USD. Đây cũng có thể sẽ là một trong những mốc cao nhất trong lịch sử hơn 30 tham gia XK gạo của Việt Nam.
Giữa cơn sốt giá gạo tăng cao, các DN thu mua lúa gạo của nông dân đang phải cân nhắc để không phải tiếp tục chịu cảnh thua lỗ. |
Tuy nhiên, song song với thành tích như vậy lại có một nghịch lý đang diễn ra ở không ít DN XK gạo là giá cao nhưng thua lỗ.
Như thông tin được một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa tại một hội thảo về ngành hàng lúa gạo diễn ra vào cuối tuần qua, đó là tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng đã dẫn đến một số trường hợp DN (nhất là đối với những DN năng lực kinh tế yếu) thua lỗ nhiều.
Các DN XK gạo vẫn quen ký hợp đồng với nước ngoài sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến cho họ phải “lãnh đòn” khi giá thu mua gạo trong nước tăng cao.
Vấn đề mà các DN này không lường trước là khi thị trường gạo biến động, giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá mà DN đã ký hợp đồng XK. Cho nên việc rơi vào thua lỗ là khó tránh khỏi, nhất là những DN bán khống (ký hợp đồng khi chưa có chân hàng).
Không những thế, khi có biến động giá gạo tăng cao, buộc các DN XK gạo đàm phán lại, sự chậm trễ trong giao hàng. Điều này cũng làm cho chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao cũng góp phần làm tăng thêm thua lỗ.
Như vào thượng tuần tháng 11/2023, giá thu mua gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang dao động ở mức khá cao với nhiều loại gạo có giá từ 13.200 - 14.400 đồng/kg. Điều này khiến cho các DN XK gạo đang rất cân nhắc đối với từng hợp đồng XK cụ thể. Những DN thu mua chủ yếu là để thực hiện những đơn hàng đã ký trước, còn với mức giá cao rất khó để họ ký hợp đồng mới.
Cần lưu ý, với mức giá cao như hiện nay, các DN phải XK gạo 5% tấm ở mức 700 USD/tấn mới có lời, trong khi giá xuất nhóm gạo này hiện cao nhất cũng chỉ mở mức hơn 650 USD/tấn.
Nhìn vào nghịch lý thua lỗ như vậy, đứng ở góc nhìn của một DN trong ngành hàng lúa gạo, qua trao đổi với VnBusiness, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho rằng bản thân DN sẽ quan sát, rút ra những bài học thực tế để tránh trường hợp rủi ro trong bán hàng.
Theo ông Tâm, các DN XK gạo cần nhìn thấy đâu là khó khăn và đâu là cơ hội đối với họ. Họ sẽ phải cân nhắc những điều kiện cần để đảm bảo khi thị trường biến động sẽ không làm cho họ gặp khó.
Thực ra, có không ít ý kiến cho rằng việc kinh doanh thua lỗ của một số DN trong ngành hàng lúa gạo còn có thể do các công ty này còn non nớt về thông tin thị trường, không theo dõi sát những biến động giá cả thị trường, bởi lẽ, thị trường nằm trong tay người bán và chính họ lẽ ra phải làm chủ thông tin.
Tỷ suất lợi nhuận giảm, rủi ro ngày càng tăng
Chưa kể, từng có chuyện mất giá vì cạnh tranh không lành mạnh trong XK gạo cũng làm cho DN thêm khó khăn. Điều này từng được ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lưu ý. Đó là do văn hóa thương mại kém của nhiều DN khiến cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam không những không phát huy được lợi thế trời cho đó mà thậm chí còn làm mất đi rất nhiều tiền do cạnh tranh nội bộ không lành mạnh gây nên.
Trên thực tế, việc cạnh tranh không lành mạnh không chỉ diễn ra ở XK gạo mà còn có thể nhìn thấy rõ ở hoạt động XK sầu riêng trong thời gian qua. Đây cũng là bài học chung cho các DN XK nông sản. Nhất là nạn tranh mua, tranh bán sầu riêng, ép mua, ép bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu…
Tình trạng này không chỉ tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường XK mà còn làm cho bản thân các DN này khó có thể thu được lợi nhuận lâu dài.
Ngoài những vấn đề như, trong báo cáo gần đây của FinnGroup về tình hình và triển vọng của DN ngành nông nghiệp Việt Nam trước biến động toàn cầu, với những phân tích sâu hơn về khả năng sinh lời của ngành nông nghiệp, cho thấy mức tỷ suất lợi nhuận của ngành dường như đang tiến đến điểm bão hòa.
Chẳng hạn như ngành hàng lúa gạo, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm từ gần 17% vào năm 2021 xuống còn 13,5% hồi năm rồi, cho thấy sự suy giảm trong khả năng sinh lời. Còn tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm từ 13,2% vào năm 2021 xuống còn 11,9% trong năm 2022.
Xu hướng này có thể do việc giá cả sản xuất leo thang của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Theo FinnGroup, biến động về chi phí nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, hạt giống và máy móc có thể gây áp lực đáng kể lên DN nông nghiệp, ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận.
Thực tế cho thấy không chỉ triển vọng sinh lời giảm sút mà cùng với đó là những rủi ro, như nghịch lý “giá cao, lỗ đậm” của DN XK gạo, có thể sẽ càng góp phần làm giảm sự thu hút của ngành nông nghiệp đối với các DN. Nhất là sự chênh lệch lớn dần giữa số lượng DN ngừng hoạt động và số lượng DN tái hoạt động càng cho thấy thêm dấu hiệu lo ngại đặt ra cho triển vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, qua mô hình Chấm điểm của FiinGroup (một thuật toán giúp thực hiện phân tích và cung cấp cái nhìn khách quan hơn về rủi ro tín dụng) cho thấy vào cuối năm 2023, điểm số các ngành nông nghiệp được dự báo là sẽ giảm, mức rủi ro tăng lên đáng kể.
Theo đó, đã có sự xuất hiện nhiều hơn của các DN đối mặt với mức độ rủi ro rất cao và cao, cộng lại chiếm hơn 13% vào năm 2023 so với 10% vào năm 2022 của toàn ngành dựa trên chỉ số này. Hơn nữa, các rủi ro này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần, với những khó khăn và bất định tiềm tàng mà các DN trong ngành có thể gặp phải.
Thế Vinh