Nhận định mới đưa ra từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, CTCP dược Bình Định (DBD) có thể sẽ đạt doanh thu 1.618 tỷ đồng (tăng 3,8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 201 tỷ đồng (tăng 6%).
Mạnh mẽ mở rộng thị trường
Bộ phận phân tích của BVSC cũng ước tính CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) về doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD lần lượt ở mức 29%/năm và 32%/năm trong giai đoạn 2022 - 2026. Và một trong những động lực tăng trưởng chính đến từ việc mở rộng nhóm ngành hàng mới tại kênh bán lẻ.
Chẳng hạn như cách đây 2 năm, công ty dược này phân phối cho 5.000 nhà thuốc. Đến tháng 8/2022, số lượng nhà thuốc mà công ty phân phối đã tăng gần gấp 4 lần, đạt khoảng 18.000 nhà thuốc.
Doanh số dược phẩm tại Việt Nam có thể đạt 156 nghìn tỷ đồng trong năm nay. |
Không chỉ vậy, công ty còn đặt kế hoạch khá tham vọng là sẽ phân phối cho 30.000 nhà thuốc vào năm 2025. Bên cạnh đó, DBD cũng nỗ lực gia tăng doanh thu trung bình/cửa hàng thuốc thông qua đẩy mạnh thêm ngành hàng thực phẩm chức năng tập trung vào nhóm trẻ em và phụ nữ có con, nhóm trung niên và người cao tuổi.
DBD dự kiến doanh thu trung bình/cửa hàng sẽ cán mốc 60-80 triệu đồng vào năm 2025 - là mức trung bình của ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu/cửa hàng khoảng 20-25%/năm.
Còn với mảng bán lẻ trong ngành dược (chuỗi nhà thuốc An Khang) của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), theo đánh giá gần đây của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thời gian ước tính để chuỗi này hoà vốn và bắt đầu có lãi sẽ từ năm 2023. Trong khi đó, ban lãnh đạo MWG hy vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ hoà vốn trong quý 4 năm nay.
Gia nhập thị trường muộn hơn các đối thủ, MWG đã tập trung mở rộng chuỗi An Khang mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Tính đến tháng 7/2022, chuỗi nhà thuốc này đã tăng lên 510 cửa hàng, vượt xa mục tiêu cán mốc 400 cửa hàng trước quý 3/2022.
Đối với chuỗi nhà thuốc, chi phí thuê mặt bằng và quản lý cũng thấp hơn so với các chuỗi bách hoá hay điện máy do quy mô trung bình của mỗi nhà thuốc chỉ khoảng 30-40 m2. Do vậy, MWG kỳ vọng có thể nâng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng thuốc lên 500 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, trong chuỗi bán lẻ dược phẩm, xét về thị phần trên toàn quốc thì An Khang vẫn đang xếp sau Pharmacity (với 1.093 nhà thuốc) và Long Châu (với 754 nhà thuốc).
Đây được xem là “cuộc đua tam mã” khi 3 tên tuổi lớn này đều có động thái mạnh mẽ trong việc mở rộng thị trường. Ngoài ra, còn có thể kể thêm chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacy cũng đang gia nhập đường đua với sự hậu thuẫn từ Masan.
“Cửa vẫn sáng” ở kênh bán lẻ
Xét về mảng dược phẩm hiện nay, PGs.Ts Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, ở Việt Nam, thị trường dược phẩm và thị trường sản phẩm bảo vệ sức khoẻ đang tăng vọt. Đó là do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng sức khoẻ để phòng chống dịch bệnh.
Song song với triển vọng tăng trưởng, ông Truyền lưu ý về những nguy cơ như tình trạng hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng trong kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ.
“Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các kênh phân phối “phi chính thức” phát triển rất mạnh và không an toàn. Thách thức ngày càng lớn với sự phát triển của các “hiệu thuốc trực tuyến” giả mạo, các kênh bán hàng qua mạng…thường bán thuốc giả và sản phẩm bảo vệ sức khoẻ với giá rẻ”, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc nói.
Còn theo dự báo của Fitch Solution, doanh số dược phẩm tại Việt Nam có thể đạt 156 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 216 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng CAGR 8%/năm. Trong đó, kênh bệnh viện (ETC) là động lực tăng trưởng chính của ngành dược Việt Nam.
Doanh thu thuốc kê đơn tại Việt Nam ước tính sẽ đạt 118 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và dự kiến tăng trưởng ổn định đạt 166 nghìn tỷ đồng trong năm 2026 với tốc độ tăng CAGR khoảng 9%/năm. Theo Fitch Solution, thuốc kê đơn sẽ tăng dần thị phần trong dài hạn, từ mức 75,6% trong năm 2021 lên 77% vào năm 2026.
Động lực tăng trưởng mảng thuốc kê đơn được cho là do chiến lược triển khai bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ với mục tiêu 100% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế quốc gia vào 2025. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế/dân số vào năm 2021 là 92,1%; Thông tư 02/2018 kiểm soát việc lạm dụng thuốc kê đơn và thuốc không rõ nguồn gốc tại kênh OTC (từ nhà thuốc); sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện.
Tuy vậy, Bộ phận phân tích của BVSC cho rằng mặc dù kênh bán lẻ thuốc bị thu hẹp do nhu cầu mua thuốc kê đơn tăng nhưng vẫn sẽ được duy trì mức tăng trưởng khoảng 6%/năm trong 5 năm tới nhờ thói quen mua thuốc ngoài của người dân (những bệnh “vặt” thường tự chữa trị tại nhà).
Hơn nữa, các chuỗi nhà thuốc hiện đại thu hút khách hàng nhờ đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ sản phẩm thuốc mà còn kết hợp mỹ phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế, các sản phẩm chăm sóc cá nhân…
Tựu trung lại, theo giới phân tích, các chuỗi nhà thuốc dược phẩm theo mô hình hiện đại đã giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống nhờ mở rộng mạnh mẽ. Nhất là khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử).
Mặt khác, kênh nhà thuốc vẫn có thể chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc. Cho nên, các công ty dược phẩm bán lẻ sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai gần. Còn với các công ty sản xuất dược phẩm cũng sẽ còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh doanh thu từ kênh phân phối ở các nhà thuốc bán lẻ.
Thế Vinh