Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022, trong đó Việt Nam có 7 tỷ phú, con số cao nhất từ trước đến nay. Danh sách tỷ phú của Việt Nam bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tín hiệu vui khi người giàu tăng nhanh
Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên, ông Bùi Thành Nhơn xuất hiện trong danh sách của Forbes. Ngày 5/4, khối tài sản của Chủ tịch Nova Group được định giá 2,9 tỷ USD, xếp thứ 1.053 trong danh sách.
Cần có chính sách khuyến khích người giàu bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh thay vì chỉ đầu tư bất động sản. |
Những năm gần đây, nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy số người giàu của Việt Nam đang tăng nhanh. Theo đó, Báo cáo Thịnh vượng 2021 do hãng tư vấn Knight Frank công bố cho hay, Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN. Báo cáo này cũng dự đoán trong giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%, tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc Việt Nam có thêm tỷ phú USD, cũng như người giàu tăng nhanh là thông tin tích cực, vì đây đều là nhà kinh doanh đã có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.
"Việt Nam có thêm nhà tỷ phú, chứng tỏ môi trường kinh doanh của chúng ta đã tạo điều kiện cho những người kinh doanh hoạt động có kết quả, đóng góp cho đất nước, cũng như làm cho bản thân họ giàu lên. Những người kinh doanh này nộp thuế, tạo công ăn việc làm cho đất nước", ông Doanh chia sẻ với VnBusiness.
Tất nhiên nhìn rộng ra vấn đề, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn cần phải cải thiện hơn nữa để giữ chân người giàu ở lại, mở rộng sản xuất. Trong một thế giới hội nhập như hiện nay, chúng ta khó có thể hạn chế việc doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở nước ngoài, thậm chí chuyển hẳn dòng vốn sang nước khác. Bởi vậy, bộ máy nhà nước cần hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp ở lại.
"Nếu bộ máy nhà nước gây phiền hà, tham nhũng, nhũng nhiễu, không tránh được họ đầu tư kinh doanh ở nơi khác", ông Doanh nói. Đồng thời chia sẻ, gần đây, VinFast xây nhà máy ở Mỹ thay vì mở rộng thêm nhà máy tại Việt Nam vì họ nhìn thấy ô tô điện ở Mỹ chắc chắn sẽ bán được nhiều hơn so với việc chỉ duy trì nhà máy ở Việt Nam.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhiều lần nhấn mạnh quan điểm tỷ phú cần được xem là thương hiệu quốc gia vì họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đóng góp và cống hiến cho đất nước. Nếu như trước đây, quốc gia cạnh tranh bằng tài nguyên, văn hoá, lịch sử, giờ đây trong hội nhập kinh tế toàn cầu, cạnh tranh bằng tiềm lực kinh tế, ngành nghề kinh doanh chứ không thể dựa vào nông dân, nhà máy xí nghiệp nhỏ, tiểu chủ làm ăn cò con.
Theo đó, ông Đức cho rằng một quốc gia muốn cạnh tranh phải dựa vào những người có đầu óc làm ăn lớn, biết suy nghĩ làm ra sản phẩm hàng hoá theo cấp lớn mạnh - đó là những tỷ phú. Do vậy, Việt Nam cần có các chính sách quan tâm đặt biệt tới người giàu, tạo cơ hội cho họ cống hiến và cảm thấy được tôn trọng, an tâm sinh sống, tài sản được bảo vệ. Bởi, nhiều nước trên thế giới sẵn sàng giang tay chào đón người giàu của chúng ta.
Khuyến khích người giàu bỏ vốn vào sản xuất
Bên cạnh đó, một trong nhiều ý kiến được các chuyên gia đặt ra là Việt Nam cần thêm nhiều người giàu lên từ lĩnh vực sản xuất, thay vì xuất phát từ bất động sản. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kinh tế tư nhân trước khi đổi mới đất nước là con số "zero" nhưng giờ đã trở thành khu vực có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Lan bày tỏ nỗi tiếc nuối khi Việt Nam vẫn có quá nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ, mà thiếu hẳn các DN quy mô tầm trung. Trong khi đó, các đại gia lớn đi theo con đường của họ, chủ yếu là bất động sản chứ không quan tâm mặn mà làm công nghiệp phụ trợ. Kể cả khi họ đầu tư ô tô cũng chưa quan tâm tới việc công nghiệp phụ trợ cho ô tô.
Theo bà Lan, khu vực tư nhân thì cần tập trung thúc đẩy hình thành DN cỡ trung. Không nên háo hức quá câu chuyện "đại bàng", trong cuộc sống đâu phải chỉ "đại bàng", Việt Nam đang thiếu hụt DN tầm trung.
"Chưa kể, vẫn có thực tế khi DN lớn lên một chút họ lại bán cho nước ngoài, quyết định ra đi rất nhanh dù mất công sức 20-30 năm xây dựng sự nghiệp. Điều này khiến nền kinh tế hổng ở giữa. DN lớn giống như con sếu đầu đàn bay tít lên cao, trong khi DN nhỏ li ti như đàn chim sẻ ở dưới đất loay hoay nhặt mấy mẩu vụn với nhau. Làm sao đất nước có thể cất cánh nếu chỉ dựa vào mấy đại gia bất động sản, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh còn èo uột", bà Lan thẳng thắn nêu quan điểm.
Trước thực tế này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta phải nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh hơn nữa nhằm đáp ứng với yêu cầu được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là cải cách thể chế, thực hiện công khai minh bạch, chống phiền hà.
"Mình không thể nói giàu từ bất động sản là xấu, làm giàu chính đáng thì hoan nghênh, nhưng bất động sản liên quan tới sở hữu đất đai, hiện giá đất của Việt Nam vẫn chênh lệch khá nhiều so với thị trường nên chúng ta cần xem xét điều chỉnh Luật Đất đai", ông Doanh nhìn nhận.
Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, việc tạo điều kiện môi trường kinh doanh công khai minh bạch, chuyển sang quản lý thông qua công cụ số, Chính phủ điện tử không chỉ giúp DN tư nhân lớn mạnh mà còn giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, tuy vậy cuối cùng mục tiêu này đã "phá sản". Điều này đặt ra vấn đề DN tư nhân vẫn chưa có điều kiện tốt nhất để kinh doanh.
GS.TS Hoàng Văn Cường Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV Trên thế giới, các nước giàu đều phải dựa vào tập đoàn lớn, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Chúng ta có tiền đề để hình thành tập đoàn tư nhân lớn, song vấn đề là phải có môi trường để họ phát triển sản xuất kinh doanh. Đơn cử, tôi thấy rằng kinh tế biển hiện nay là lĩnh vực rất tiềm năng, nhưng từ quan sát thực tế thì rõ ràng không thấy bóng dáng của nhiều DN Việt ở đây. Ông Nguyễn Minh Quý Chủ tịch Tập đoàn Novaon DN, cá nhân nếu giàu lên nhờ làm ăn chính đáng, đem lại giá trị cho xã hội cần phải được Nhà nước, xã hội hoan nghênh. Thể chế và luật pháp của Nhà nước phải bảo vệ họ như thế, họ mới thấy an toàn. Nếu Nhà nước không cải tiến nhanh, nhiều nguồn lực như tài lực, vật lực, DN tốt sẽ chuyển sang đăng ký ở các nước xung quanh như Mỹ, Singapore... Quyền lựa chọn của DN, người giàu ngày càng lớn. Họ có thể di chuyển tài sản rất nhanh. Bà Thạch Lê Anh Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley (VSV) Việc startup Việt Nam sang Singapore lập công ty để nhận vốn là thiệt thòi cho Việt Nam khi chúng ta không thu được thuế, công ty dịch chuyển khỏi Việt Nam thì chúng ta sẽ mất việc làm trong nước. Nếu chúng ta có chính sách giữ chân nhà đầu tư và startup thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thì chúng ta sẽ thu được thuế, thậm chí nếu startup có không thành công thì Chính phủ cũng không mất gì, startup cũng không đem tiền về nhà mà họ mang tiền trả nhân công, thuê văn phòng. Tiền vận hành trong đất nước của mình. |
Nhật Linh