Ts. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, đánh giá: "Chính phủ đã có nỗ lực lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 01 và 02. Trong kỳ họp nào, Chính phủ cũng đều kiểm điểm việc này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng có đề án, chỉ thị hỗ trợ. Ở nhiều tỉnh, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hoạt động rất tích cực".
Triển khai chậm
Tuy nhiên, theo ông Doanh, việc triển khai đề án của các bộ, ngành chưa đồng đều: "Ví dụ, Đề án xử lý nợ xấu cho đến ngày 29/7 vừa rồi mới được khởi động. Gói trợ giúp bất động sản (BĐS) 30.000 tỷ đồng trợ giúp cho DN có vẻ nhanh hơn, giải ngân cho DN nhanh hơn, nhưng việc trợ giúp tín dụng cho các hộ còn khó khăn về thủ tục, như: phải có hợp đồng mua nhà mới được vay tín dụng, quy định về thu nhập thấp, nhiều yêu cầu xác nhận của địa phương…, nên triển khai chậm hơn".
Ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam, cho rằng tác động của các giải pháp của Chính phủ triển khai đang chậm. Đó là do các giải pháp còn mang nặng tính hành chính… "Theo tôi, Chính phủ nên đơn giản các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các DN triển khai được tốt hơn với các hoạt động của mình. Với tình hình này, phải đến tháng 6/2014 thì các DN trụ lại với thị trường mới có những bước phát triển và nền kinh tế cũng mới bước vào chu kỳ phát triển mới", ông Quyết đề xuất.
"Về gói 30.000 tỷ đồng, tôi thấy đến thời điểm hiện nay mà chỉ có 2 DN và 56 cá nhân được vay là quá chậm, cần nhanh hơn. Do đó, Bộ Xây dựng và các cơ quan, ngân hàng có lẽ cần nghiên cứu thêm để chính sách thực sự phát huy hiệu quả. Riêng với DN BĐS, nên chăng cần có quy chuẩn để các DN xác định mình có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay. Nếu không, các DN sẽ không được hưởng gói hỗ trợ này và sẽ khó khăn thêm", ông Trung cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động
Có thể thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề tồn kho, nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của DN trong thời gian tới. Chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, gia hạn thuế) cho DN vẫn được nhìn nhận là chưa đạt được như kỳ vọng. Biến động tỷ giá và xu hướng lãi suất vẫn đang là mối quan tâm và là mối lo hàng đầu của DN.
Cần sự chia sẻ
Đánh giá về những hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ DN, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trên thực tế đã tạo một số hiệu ứng tích cực, nhiều DN đã quay trở lại hoạt động. 20% DN đã cảm nhận được những hỗ trợ tích cực từ những chính sách hỗ trợ này, 25% DN cảm nhận được những cơ hội thị trường mới. Tuy nhiên, trên thực tế, những hiệu ứng tích cực vẫn còn khiêm tốn do những hạn chế ngay từ mức độ, quy trình, đối tượng hỗ trợ, cũng như do nguyên nhân từ bản thân hạn chế của DN trong định hướng tái cấu trúc cũng như trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), các giải pháp thuế để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đáp ứng được yêu cầu của gần 90% các DN trong toàn bộ nền kinh tế, khi các giải pháp về giãn thuế, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm lệ phí trước bạ theo Thông tư số 16 của Bộ Tài chính được triển khai thực hiện kịp thời và thống nhất trong cả nước…
Tuy nhiên, theo ông Phụng, các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các DN, vì có những DN lớn, DN vừa không được hưởng, hoặc được hưởng ít hơn mức mong muốn: "Khi toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn, tất cả các DN đều khó khăn nhưng trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ đã chọn ra những DN khó khăn nhất, đó là những DN có quy mô dưới 20 tỷ đồng nhưng là số đông, có đóng góp nhiều đối với vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động thì sẽ được ưu tiên nhiều hơn.
Còn những DN trên 20 tỷ đồng thì được hưởng theo tiêu chí sử dụng nhiều lao động trong những lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội. Nghị quyết 01 và 02 đã đáp ứng được yêu cầu của đại bộ phận DN, nhưng chưa thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của DN, trong đó có những DN lớn. Đó cũng là điều dễ hiểu và chúng ta cần sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN trên nhiều góc độ".
--------------------------------
Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
------------------------------------
Chúng ta đã và đang kiên quyết xóa bỏ khoản thu ngoài thuế, ngoài luật, việc này đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Nếu cơ quan, địa phương, cá nhân nào lấy danh nghĩa cơ quan nhà nước để đòi hỏi DN phải đóng góp ngoài quy định của pháp luật thì phải đấu tranh. DN kiên quyết không nộp những khoản không có trong quy định của luật pháp và DN phải ủng hộ Nhà nước trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực này.
Ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam
------------------------------------
Hiện có quá nhiều áp lực và có quá nhiều thủ tục cho DN khi đi nộp thuế. Mỗi cán bộ hướng dẫn một kiểu, gây rất nhiều khó khăn cho DN. Do đó, cơ quan thuế cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho DN, cho các cán bộ hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Đình Trung - TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh
------------------------------------
Thời gian các chính sách xuống được với DN vẫn còn chậm, phải làm sao để nhanh chóng hơn và giúp DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Về gói 30.000 tỷ đồng, tôi thấy đến thời điểm hiện nay mà chỉ có 2 DN và 56 cá nhân được vay là quá chậm, cần nhanh hơn. Do đó, Bộ Xây dựng và các cơ quan, ngân hàng có lẽ cần nghiên cứu thêm để chính sách thực sự phát huy hiệu quả. Riêng với DN BĐS, nên chăng cần có quy chuẩn để các DN xác định mình có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ trong giai đoạn này. Nếu không, các DN sẽ không được hưởng gói hỗ trợ này và sẽ khó khăn thêm.
Việt Nguyễn