Thành phố Đà Nẵng mới đây công bố đã hội tụ đủ 5 yếu tố cơ bản để xây dựng thành phố thông minh. Thế nhưng khảo sát của Hội Tin học Việt Nam và trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học quốc gia Singapore về mức độ sẵn sàng phát triển thành phố thông minh được công bố tại Hội thảo quốc tế “CNTT tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế xã hội” diễn ra ngày 3/12 tại Hà Nội lại cho thấy kết quả đạt được mới chỉ ở giai đoạn nền móng.
Hội Tin học Việt Nam đã tiến hành khảo sát nghiên cứu 10 thành phố mức trung bình của Việt Nam bao gồm: Biên Hòa, Đà Lạt, Hạ Long, Hà Tĩnh, Huế, Lào Cai, Mỹ Tho, Nha Trang, Thanh Hóa, Vinh. Nội dung nghiên cứu đi sâu vào 5 thành phần cấu thành của thành phố thông minh là: quản trị thông minh, nền kinh tế thông minh, phát triển nguồn nhân lực thông minh, hạ tầng cơ sở thông minh và phát triển bền vững.
![]() |
Việc ứng dụng CNTT để xây dựng thành phố thông minh có tác động thiết thực tới phát triển kinh tế xã hội, đem lại sự hạnh phúc, hài lòng của người dân từ bộ máy chính quyền.
Chưa có thành phố thông minh
Cuộc khảo sát cho thấy, cả 10 thành phố đều có chuyển biến đáng kể về nhiều mặt trong quản lý và phát triển thành phố, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng CNTT và phát triển kinh tế tư nhân. Các thành phố đều có thuận lợi là người dân có ý thức cao trong đầu tư vào giáo dục cho con cái và ủng hộ chính sách cải cách mở cửa của chính phủ.
Điều đáng lưu ý là trong các ưu tiên hàng đầu cho phát triển thành phố thông minh, kết quả khảo sát cho thấy người dân nhận thấy nâng cấp năng lực bộ máy quản lý nhà nước cấp thiết hơn thu hút đầu tư nước ngoài, minh bạch hoạt động chính phủ còn quan trọng hơn cung cấp dịch vụ chính phủ trực tuyến, trao thêm quyền dân chủ cho người dân cấp thiết hơn trồng cây xanh và cải thiện môi trường, chống tham nhũng bức thiết hơn cả việc chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Sau khi triển khai thí điểm thành phố thông minh, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Đà Nẵng, cho biết, đa số người dân đã nhận thấy được sự chuyển biến tốt đẹp của thành phố Đà Nẵng như 74% người dân nhận thấy sự phát triển của năng lực chính quyền thành phố, 68,8% người dân cảm nhận được sự phát triển của năng lực chính quyền thành phố, 77,9% người dân đồng ý với sự cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả trên, ông Thanh cũng cho rằng Đà Nẵng còn cần phải cải thiện một số vấn đề tăng cường mức độ sẵn sàng cho phát triển thành phố thông minh như: giao thông, chống tham nhũng: gần 43% người dân không đồng ý với việc tai nạn giao thông không đáng lo ngại; 44,1% người dân không đồng ý với việc tham nhũng không còn là vấn đề nghiêm trọng.
Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hà Nội, cho biết: Trong lĩnh vực y tế, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế đã bước đầu triển khai hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý ngành, hỗ trợ khám chữa bệnh. Nhưng theo ông Tuấn, nhìn chung, ứng dụng CNTT trong y tế còn nhiều hạn chế, ứng dụng bệnh án điện tử chưa nhiều, chưa liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh còn thấp.
Vì vậy, theo ông Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, các chương trình ứng dụng CNTT trong việc xây dựng thành phố thông minh của các thành phố ở Việt Nam hiện nay khởi động tốt, bắt đầu có chương trình mới nhưng mới chỉ dừng ở giai đoạn đầu, chưa có chiến lược thực sự.
Do vậy, “Thời gian tới, các thành phố cần có tầm nhìn về thành phố thông minh thế nào, cần cấu thành những gì, ra sao chứ không phải thấy dự án là chạy chọt để xin tiền mà không biết làm gì. Phải hình dung được chiến lược phát triển của thành phố mình trong tương lai”, ông Khương khuyến nghị.
Đặc biệt, khi được hỏi Việt Nam hiện nay đã có thành phố nào đủ tiêu chuẩn công nhận là thành phố thông minh chưa, ông Khương cho biết, hiện tại Việt Nam chưa có thành phố thông minh, dù các thành phố đã tiến hành xây dựng nhưng mới chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm.
Tránh chạy theo phong trào
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng, cũng cho rằng thành phố thông minh là xu thế phát triển của các đô thị hiện đại. Nhưng với điều kiện và hiện trạng cụ thể của các đô thị ở Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ đâu là lĩnh vực đột phá, trọng điểm, có tính khả thi cao để triển khai, tránh đầu tư ồ ạt, dàn trải theo phong trào sẽ gây lãng phí lớn.
Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Hưng, cơ quan quản lý, các địa phương cần xác định rõ các hạn chế về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các biện pháp bảo mật trước khi triển khai các ứng dụng để đảm bảo tính hiệu quả của công nghệ mới. “Theo tôi, đối với các nhà quản lý CNTT, thách thức về công nghệ là không đáng kể nếu so với vấn đề an ninh mạng”, ông nhấn mạnh.
Ông Eduardo Araral, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng: “Việt Nam có nguồn lực mạnh hơn Singapore nhiều lần để xây dựng thành phố thông minh, do đó, những gì Singapore làm được thì Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được. Người Việt Nam chăm chỉ, có động lực cao, thích làm riêng. Với nguồn năng lượng này, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở nên rất thành công”.
Vị chuyên gia này cũng hoàn toàn nhất trí về tầm quan trọng của việc xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam: “CNTT là chìa khóa của mọi thứ. Con đường đến tương lai được quyết định bởi các thành phố thông minh, đô thị thông minh”.
Song theo các chuyên gia, hiện nay, một trong những “bàn tay” níu kéo ứng dụng CNTT hiện nay xuất phát từ hạn chế của chính sách. Cơ chế chính sách hiện hành còn một số hạn chế, chưa thể khai thác hết tiềm năng của CNTT. Hầu hết các DN CNTT Việt Nam còn ở quy mô khiêm tốn.
Theo các chuyên gia, để khai thác tiềm năng triệt để của CNTT-TT cho đẩy nhanh công cuộc tăng trưởng và phát triển kinh tế, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng nâng cấp 3 trụ cột nền tảng: tầm nhìn chiến lược, khả năng và ý thức hiệp đồng phối thuộc và năng lực học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Việt Nam cũng cần đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng CNTT có khả năng tạo nên những đổi thay đột biến. Đó là chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giáo dục và y tế thông minh, thương mại điện tử, internet và công nghiệp thế hệ 4.0.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, xây dựng các thành phố thông minh do có nhiều thành phố phát triển năng động như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... Do vậy, chúng tôi mong muốn hướng tới hình thành và phát triển được nhiều đô thị điện tử, phát triển thành công Chính quyền điện tử tại Việt Nam với mục tiêu tối thượng hướng tới sự minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT Để Việt Nam có những thành phố thông minh, trước hết chính phủ phải thấy sự quan trọng của vấn đề và cần phải lắng nghe DN vì nhiều DN có nhiều ý tưởng. Cái nào có thể hiện thực thành chính sách, dự án đầu tư, có những nguyên lí căn bản để làm thì cần hiện thực hóa nó ngay. Đồng thời, mọi quyết sách của cơ quan quản lí cần dựa trên lắng nghe người dân trước khi đưa ra quyết định, cũng như quyết định đó phải làm dân thấy tâm phục, khẩu phục. Ông Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Việt Nam đang ở trong thời điểm chông chênh, một mặt có cơ hội to lớn, mọi điều kiện hỗ trợ ứng dụng CNTT đều sẵn sàng nhưng bên cạnh đó cũng song hành nhiều khó khăn, thậm chí có những khó khăn không biết từ đâu đến. Do vậy, để biến thách thức thành cơ hội, chúng ta cần sự chung tay chuẩn bị và thay đổi nhận thức không chỉ riêng lãnh đạo, cơ quan quản lí nhà nước mà đó còn là sự thay đổi nhận thức của từng cá nhân. |