Trong bối cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành công thương cần đưa ra được những kế hoạch tổng thể, mang tính đột phá về tốc độ tăng trưởng, mà trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đó là trọng tâm mà Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh chỉ đạo mang tính chiến lược đối với ngành công nghiệp - thương mại trong buổi làm việc sáng 7/12/2011 tại Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, mục tiêu nhiệm vụ năm 2012 và 5 năm 2011 - 2012.
Giảm tỷ lệ nhập siêu
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới cùng những yếu kém nội tại đã tác động lớn đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Do đó, những chỉ tiêu lớn giai đoạn 2006 - 2011 trong ngành công nghiệp đều không đạt được.
Đơn cử như chỉ tiêu về giá trị gia tăng của ngành công nghiệp xây dựng, theo kế hoạch phải tăng từ 9,5 - 10,2%, nhưng chỉ đạt được 8%; tỷ trọng công nghiệp xây dựng chỉ đạt được 41,6% so với mục tiêu đề ra là 43 - 44%; giá trị sản xuất chỉ tăng 13,3% so với kế hoạch là 15 - 15,5%/năm.
Mặc dù khích lệ những thành tích đã đạt được trong hoạt động xuất khẩu khi đạt vượt mức kế hoạch đề ra, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 17,3% (kế hoạch là 16%) nhưng Phó Thủ tướng đánh giá tỷ trọng nhập siêu hiện vẫn còn cao, khi chiếm đến 15,86%. Do đó, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ nhập siêu là 12% năm 2012, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn, trong đó nêu cao vai trò của các doanh nghiệp.
Hiện các sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong kim ngạch nhập khẩu. Năm 2005 là 7,9 tỷ USD, tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2010, và 11 tháng đầu năm là 13,7 tỷ USD. Trong khi đó, sản phẩm cơ khí xuất khẩu cũng không ngừng tăng lên với 2 tỷ USD năm 2006; năm 2010 là 5,15 tỷ USD và năm 2011 là 3,6 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng, đây là nỗ lực rất lớn, chứng tỏ ngành cơ khí có thể sản xuất được các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Trong khi đó, tư duy "sính ngoại" lại đang còn rất nặng trong xã hội, chưa tin tưởng vào hàng hóa trong nước sản xuất.
Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định: "Định hướng giảm nhập siêu không phải chỉ là quyết tâm lớn của các bộ, ngành, mà còn là nhiệm vụ của các doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thúc đẩy sản xuất và đáp ứng nhu cầu sản phẩm trong nước. Đặc biệt, cần có sự nỗ lực và thay đổi tư duy của cả xã hội trong vấn đề tiêu dùng và sử dụng hàng trong nước".
Tận dụng các lợi thế cạnh tranh
Cũng theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm trong các năm tới là phát triển ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dù đã đạt tốc độ phát triển là 41%, nhưng hiện các lợi thế cạnh tranh vẫn tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp. Cũng bởi nhiều ngành công nghiệp hiện nay mới chỉ bắt đầu chuyển từ lợi thế cạnh tranh "động" sang lợi thế cạnh tranh "thực". Đơn cử như các hoạt động lắp ráp, có thể đạt trị giá xuất khẩu đến 16 tỷ USD vào năm 2015, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động này vẫn chỉ là "thuần túy lắp ráp", chưa chuyển thành lợi thế cạnh tranh "thực".
Do đó, Phó Thủ tướng nêu rõ cần tận dụng những lợi thế cạnh tranh vốn có, đặc biệt trong nông nghiệp, và chỉ đạo cần tập trung phát triển cho công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; tập trung cơ khí hóa nông nghiệp, phát triển dịch vụ nông nghiệp nông thôn sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.
Một trong những điểm yếu nữa được Phó Thủ tướng chỉ ra là sự yếu kém của hệ thống phân phối trong nước. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển, thế nhưng hiện doanh nghiệp lớn về phân phối chỉ "đếm trên đầu ngón tay", do thiếu vốn, yếu về kinh nghiệm quản lý. Vì vậy, đây cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành công thương cần đề ra trong giai đoạn tới để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Theo đánh giá chung, tình hình trong nước giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tiếp tục đặt ra vô vàn khó khăn lớn, như: giá trị gia tăng thấp, sự chuyển dịch cơ cấu vẫn chậm theo yêu cầu, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội từ thị trường mở, chỉ số công nghiệp đang có xu hướng giảm, tốc độ đổi mới công nghệ thấp, tăng trưởng năng suất lao động chậm... Bên cạnh đó là những thách thức từ bên ngoài, như: xu hướng bảo hộ mậu dịch, sức mua các thị trường trọng điểm giảm, sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài... Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, nhằm đưa ra những quy hoạch tổng thể, có tính đột phá để đạt mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Cẩm An
Đảm bảo an ninh năng lượng
Trong quy hoạch 5 năm tới, không được sử dụng nguyên nhiên liệu vào những việc khác mà cần ưu tiên tối đa đảm bảo an ninh năng lượng. Than nhiều nhưng vẫn thiếu, bắt đầu từ năm 2015 chúng ta đã phải nhập khẩu than. Khí cũng thiếu, mặc dù năm nay có 9 tỷ m3 khí nhưng ngành điện chỉ được cung cấp 5,7 tỷ m3. Dầu thô cũng thiếu khi chỉ đáp ứng 37% nhu cầu trong nước, còn lại phải đi khai thác ở nước ngoài, nhập khẩu lớn, tạo nên áp lực cho nhập siêu, và gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Do đó, khả năng đáp ứng của ngành điện cũng sẽ hết sức khó khăn. Các tập đoàn Than khoáng sản, Điện lực, Dầu khí cần phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng mới có thể khắc phục được thách thức về cân bằng năng lượng.
Hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản
Chúng ta cần rà soát lại quy định về xuất khẩu khoáng sản để hạn chế đến mức tối đa và tiến tới không khuyến khích xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô.
Thứ hai là các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện xử lý triệt để các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thứ ba, Bộ Công Thương cần xem xét lại thỏa thuận cho các địa phương trong việc xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ.
Thứ tư là Bộ Công Thương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tham gia về điều tra tài nguyên môi trường biển, triển khai báo cáo đúng kế hoạch.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng năm 2012 là 13%, Bộ Công Thương cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó nâng cao vai trò của các Tham tán thương mại, đại sứ quán để tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ cao phát triển đất nước. Trong vai trò quản lý về cả công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cần cung cấp thông tin nhiều hơn về dự báo cân đối cung cầu ở tầm vĩ mô, nhất là ngành hàng lớn trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu, cung cấp thông tin thêm cho các bộ, ngành và địa phương. Đơn cử như mặt hàng gạo, nếu Bộ Công Thương cần có những dự báo lúc nào thì xuất khẩu, lúc nào chưa nên xuất khẩu hoặc phối hợp trong vận tải. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần yêu cầu Cục xúc tiến thương mại hỗ trợ ủng hộ để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm triển khai chương trình xúc tiến thương mại trong năm tới.
Tính đến đối mới mô hình tăng trưởng
Về định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, chúng ta cần ra soát triển khai thêm một số vấn đề để phù hợp hơn với định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, cần chú trọng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Thứ hai là cần có chương trình đề án để sản xuất thiết bị trong nước nhằm giảm nhập các thiết bị bên ngoài để phục vụ trực tiếp các dự án điện, xi măng, thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng... Thứ ba là cần có chương trình phát triển mở rộng mạnh về nông nghiệp nông thôn.