Về thách thức giá thành, Ts. Nguyễn Hữu Đạt- Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam – cho biết giá thành ở đây có thể hiểu là giá hợp đồng XK mà các DN Việt Nam ký được để trái cây xuất đi các nước. Về cơ bản, các loại quả như thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải đã xuất đi có thể tạm phân chia thành hai nhóm.
Hai thách thức lớn
Nhóm trái cây đóng gói theo tiêu chuẩn cao, có chất lượng tốt, xuất theo đường bay có giá khoảng 6-8,8 USD/kg (giá hợp đồng các công ty XK ký được với nhà nhập khẩu), giá bán tại Mỹ gấp hai lần như vậy.
Trái cây đóng gói theo tiêu chuẩn hạng hai, chất lượng tốt hạng hai, xuất theo đường biển, giá từ 3-5 USD /kg. Các DN XK sang thị trường khó tính thường phải ký hợp đồng xuất cho cả một năm, theo một mức giá không đổi.
Đó là một thách thức lớn vì giá nguyên liệu mà DN nhập của nông dân lại thay đổi theo mùa, tùy vào từng thời điểm trong năm. Có một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay là có thời điểm trong năm, DN XK trái cây có lãi nhưng cũng có những thời điểm, DN phải chịu lỗ.
Chẳng hạn việc XK thanh long, thông thường vào các vụ mùa chính vụ, giá thấp hơn so với các thời điểm khác trong năm, tuy nhiên tại các vườn sản xuất đúng quy cách cho chất lượng trái tốt, các DN vẫn mua cao hơn 2.000 – 3.000 đồng/kg để xuất đi các thị trường khó tính.
Có thời điểm, nếu giá thu mua từ phía nông dân thấp hơn 20.000 đồng/kg, DN có thể thu lợi nhuận khoảng 0,3 USD/kg. Tuy nhiên, một số thời điểm, giá thanh long trên thị trường là 24.000 đồng/kg, DN mua cao hơn mức thị trường tức là 26.000 đồng/kg, thì DN phải chịu lỗ vốn.
Thách thức lớn thứ hai của trái cây XK là vấn đề ATTP, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cảnh báo rằng hội nhập sâu, nhất là khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, ATTP sẽ tăng lên.
Đây là một trong những khó khăn nổi cộm trong XK trái cây. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất một năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm, thậm chí lâu hơn có thể mất tới 10 năm.
![]() |
Hội nhập sâu, nhất là khi tham gia TPP, lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, ATTP sẽ tăng lên
Về vấn đề này, Ts. Nguyễn Hữu Đạt cho biết, có một thực tế là vào giai đoạn chính vụ, giá bán sản phẩm thường quá rẻ nên nhiều nông dân giảm bớt qui trình tuân thủ về tiêu chuẩn VSATTP. Điều này không những mang lại thiệt hại cho DN mà còn thiệt hại lớn cho nền XK quả tươi Việt Nam đi các nước, đặc biệt với thị trường khó tính trong khối các nước tham gia TPP.
Theo Ts. Nguyễn Hữu Đạt, 8 năm trở lại đây, chưa có lô xuất nào vi phạm qui định về dịch hại KDTV, tuy nhiên, những vi phạm về VSATTP vẫn còn tương đối phổ biến.
Khi có một lô vi phạm VSATTP, tỷ lệ kiểm tra hàng DN sẽ bị tăng dần lên 50% - 100% thay vì mức kiểm tra 5% bình thường. Hàng lấy ra trễ 4 – 5 ngày, kéo theo chất lượng giảm, không bán được, lỗ, mất hợp đồng, giảm số lượng XK.
Ts. Nguyễn Hữu Đạt cho biết, một lô vi phạm VSATTP, DN bị thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm và bị ảnh hưởng tiếp theo sau.
Khi lượng hàng xuất đi thị trường khó tính giảm xuống, giá cả XK đi thị trường bình thường cũng mất ổn định, nông dân phải bán rẻ nguyên liệu hơn bình thường rất nhiều, bị DN nước ngoài khống chế, ép giá.
Ngồi chung một thuyền
Để sản xuất trái cây mang lại hiệu quả cao, vượt qua rào cản để vào thị trường thế giới, nông dân và DN cần có sự hợp tác trong sản xuất để tạo ra những vườn cây ăn quả quy mô lớn hơn, nguyên liệu sản xuất đồng nhất hơn; tổ chức rải vụ để có sản phẩm XK quanh năm; thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP (thực hiện trên ý thức tự giác, không cần có chứng nhận tốn kém); chăm sóc cây trồng và thu hoạch đúng qui trình kỹ thuật; không sử dụng các nhóm thuốc thị trường NK cấm mà dùng các nhóm thuốc thay thế, phải đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch đúng theo khuyến cáo; liên kết chặt chẽ với DN XK, cung ứng nguyên liệu quả cho DN trung thực và tín nhiệm và quanh năm theo một mức giá hợp lý thống nhất quanh năm. Giao dịch mua bán đến đâu thanh toán đến đó, tránh gối nợ thiếu nợ giữa DN với nông dân.
Để thuận lợi nhiều hơn cho XK, dù là thời điểm nào trong năm, nông dân cũng phải giữ một nguyên tắc bất di bất dịch là sản xuất hàng đạt chuẩn VSATTP. Làm được như vậy, sau một thời gian, lượng hàng XK sang thị trường khó tính sẽ tăng cao, DN có tích lũy, nông dân bán được giá cao, ổn định, kể cả giá nội địa và giá XK đi các thị trường khác cũng sẽ tăng cao và ổn định.
Ts. Nguyễn Hữu Đạt nhấn mạnh: “ Người nông dân cần ý thức rõ việc hợp tác, liên kết với DN chặt chẽ hơn, thấu hiểu các khó khăn của DN và hiểu mình đang ngồi chung một con thuyền với DN. Con thuyền sẽ chìm nếu người nông dân không dốc sức và tâm huyết sản xuất tốt. Phải tạo ra chất lượng nguyên liệu cao, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP. Đó là cách nhanh chóng để người nông dân có được giá bán nguyên liệu quả có kết quả cao và ổn định. Đừng nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà làm mất đi cái lợi lớn của quốc gia”.
Thu Hường