Có mặt tại thị trường sữa chỉ chưa đầy 3 năm, TH True Milk đã đặt ra mục tiêu sẽ chiếm đến 50% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. Đây được xem là tuyên bố "gây sốc" khi đối thủ của TH True Milk là Vinamilk - hãng sữa vốn đã "làm mưa làm gió" trên thị trường trong suốt hơn 30 năm qua, hiện cũng mới chiếm 40% thị phần sữa nước. Tuy nhiên, với những gì đã làm được, "kẻ đến sau" trong "cuộc chơi" này vẫn làm các bậc "đàn anh" khá đau đầu để giữ "miếng".
Cách đây không lâu, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH Group, cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2013 đạt doanh thu 3.700 tỷ đồng, trở thành đối thủ cạnh tranh "ngang ngửa" với hãng sữa hàng đầu Việt Nam là Vinamilk. Chủ thương hiệu này cũng bày tỏ kỳ vọng đến năm 2017, tức là sau 7 năm đi vào hoạt động, con số này sẽ tăng lên 23.000 tỷ đồng, vượt qua cả doanh thu của Vinamilk trong năm 2011.
Có đủ "gây sốc"?
Đặc biệt, với tuyên bố gây sốc: "Tôi không có đối thủ", hãng này được đánh giá là "ngạo mạn" khi "đàn anh" Vinamilk đang "ngự trị" trên thị trường với lượng sản xuất chiếm tới 65%, và 40% thị phần sữa nước. Tuy nhiên, cũng không phải là không có cơ sở khi thương hiệu mới này mang đến "hương vị" mới cho thị trường sữa Việt Nam. Lần đầu tiên, TH True Milk chuẩn hóa khái niệm "sữa sạch" với một quy trình sản xuất khép kín, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với chất lượng và hương vị được người tiêu dùng hài lòng, hãng này đã bước đầu tạo "sóng" trên thị trường sữa tươi Việt Nam khi đạt tổng doanh thu trong những năm đầu là 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy, khái niệm "sữa sạch" lại gây nên sự phản đối khá gay gắt của các đối thủ khi cho rằng không có khái niệm như trên. Đặc biệt khi bà Thái Hương bày tỏ tham vọng là thương hiệu TH True Milk không chỉ dừng lại ở việc mọi trẻ em có sữa uống mà cao hơn, phải là loại sữa tốt, chất lượng và đầy đủ vi lượng để trẻ em có được thể chất và trí lực hoàn hảo. Ai cũng hiểu, thông điệp này muốn "đánh bật" thông điệp vốn nổi tiếng bấy lâu nay của Vinamilk là: "Vươn cao Việt Nam".
Đưa vào vận hành trang trại khép kín với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD, có hơn 22.000 con bò được quản lý hoàn toàn bằng máy móc, TH True Milk trở thành trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á. Bí quyết chuẩn hóa công nghệ được hãng này đảm bảo bằng việc ký hợp đồng với một công ty tư vấn của Isreal - vốn là nước xuất khẩu sữa sang châu Âu, Mỹ. Đặc biệt, để đảm bảo việc cung ứng nguyên liệu, phục vụ sản xuất sữa, TH True Milk đã thực hiện thành công phi vụ mua lại nhà máy đường hiện đại bậc nhất nước là Tate & Lyle.
Còn nhiều rào cản
TH True Milk cũng dùng bao bì sử dụng của Tetra Pak - tập đoàn Thụy Điển chuyên sản xuất bao bì giấy carton cho các hãng thực phẩm lớn như Nestlé, Coca-Cola, Vinamilk,… Đến nay, hãng này vẫn đang trong quá trình hoàn tất việc đầu tư giai đoạn 1 với vốn là 350 triệu USD nhưng đã xây dựng được hệ thống phân phối với 100 cửa hàng, chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong hầu hết các siêu thị với lượng tiêu thụ khá tốt.
Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đến với hãng sữa còn non trẻ này. Cũng bởi hiện TH True Milk vẫn chưa hoàn tất việc triển khai giai đoạn 1, trong khi theo kế hoạch, vào cuối năm 2012, tổng đàn bò của công ty này phải đạt 45.000 con. Song do ảnh hưởng của khủng hoảng, vốn giải ngân chậm, nên kế hoạch này bị kéo dài đến năm 2013. Đặc biệt, trong kế hoạch tài chính của TH Milk đến năm 2013, dự án sữa này sẽ phải vay nợ kỷ lục với 10.700 tỷ đồng, bằng 65% tổng vốn đầu tư của toàn dự án. Đáng chú ý, toàn bộ dư nợ đều là vay ngắn hạn, với tỷ lệ nợ vay trên tống nguồn vốn của TH Milk từ năm 2012 đến 2017 trung bình là 42,3%. Ngân hàng Bắc Á - đơn vị tư vấn tài chính cho dự án này, đến hết năm 2011, chỉ có quy mô vốn là 3.245 tỷ đồng và tổng tài sản là 25.344 tỷ đồng.
Chưa kể, mặc dù đã đầu tư khá bài bản vùng nguyên liệu, nhưng sức ép cung ứng nguyên liệu ổn định cho nhu cầu sản xuất vẫn đang đặt cho các doanh nghiệp trong ngành sữa, trong đó có TH True Milk. Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), hiện chỉ tiêu về đàn bò được đánh giá là chưa đạt khi có tới 95% số bò sữa được nuôi tại hộ gia đình, chỉ khoảng 5% nuôi trong các trang trại chuyên biệt. Lượng đàn bò của cả nước hiện có khoảng 135.000 - 140.000 con, cung cấp mỗi năm khoảng 290.000 - 300.000 tấn sữa.Tuy nhiên, nhu cầu trong nước mỗi năm cần khoảng 1 triệu tấn sữa, như vậy, các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được 28 - 30% nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TH True Milk là Vinamilk cũng đang đẩy mạnh đầu tư và vẫn có bước tăng trưởng mạnh ngay trong khủng hoảng. Mới đây, hãng này vừa đầu tư xây dựng nhà máy sữa Lam Sơn tại Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư 276 tỷ đồng. Nhà máy này có công suất 156 triệu hũ sữa chua/năm và 60 triệu lít sữa tiệt trùng/năm. Chưa kể, hãng này còn có hệ thống 1 nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 10 nhà máy sản xuất sữa hiện đại luôn chạy hết 100% công suất. Dự kiến, Vinamilk còn tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành thêm 3 nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Mặc dù có thêm đối thủ cạnh tranh, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2012, Công ty này vẫn đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ và doanh thu dự kiến năm 2012 là 26.500 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện TH True Milk mới đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng xong khu chăn nuôi và chưa chuyển sang giai đoạn sản xuất, phải thuê công ty khác để gia công sản phẩm. Do đó, đây sẽ là thách thức không nhỏ cho hãng này để có thể cạnh tranh dài hơi và đạt được mục tiêu chỉ trong thời gian ngắn như vị lãnh đạo của hãng đã khẳng định.
Không phủ nhận TH True Milk mang đến cho thị trường sữa Việt Nam "vị" mới, nhưng để hãng này tạo sự bứt phá và cạnh tranh trực diện trên thị trường sữa, có lẽ còn cần thời gian!
Nguyễn Sơn