Trong diễn biến mới nhất liên quan đến việc cuối tuần qua một loạt xe taxi của hãng Vinasun dán dòng chữ “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, phía lãnh đạo Bộ Công Thương ngày 9/10 cho biết đã chỉ đạo Cục
Quản lý Cạnh tranh xem xét vấn đề này trong khuôn khổ có vi phạm luật Cạnh tranh hay không?
Vì đâu nên nỗi?
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, cũng cho biết, hiện cục đang yêu cầu các bên cung cấp thông tin và sẽ thông báo khi có kết quả.
Động thái phản ứng này diễn ra rất nhanh. Nhưng giá những năm trước, khi Uber hay Grab mới du nhập vào Việt Nam và hoạt động khá mạnh bạo trong khi cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng, tại sao lúc đó các cơ quan quản lý không phản ứng nhanh như bây giờ, khiến giới taxi truyền thống đến mức có hành động “cùn” như hôm nay?
Có thể thấy, nhiều ý kiến trên mạng xã hội và giới chuyên gia đang ra sức phê phán hành vi dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber của các xe taxi Vinasun là quá đáng, hèn hạ, “trò trẻ con” hoặc cạnh tranh bẩn, vi phạm Luật Cạnh tranh khá rõ, càng dễ tác dụng ngược, bị khách hàng tẩy chay.
Thậm chí, một số tài xế taxi cảm thấy xấu hổ do chuyện dán khẩu hiệu phản đối gây phản cảm nên đã gọi nhau gỡ bỏ để khỏi phải mang điều tiếng “cạnh tranh không lành mạnh”.
Trong ngày 9/10, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Tp.HCM, cũng khẳng định việc dán khẩu hiệu của các taxi Vinasun là “không nên” và đã đề nghị tháo khẩu hiệu được dán trên các xe này.
Lẽ dĩ nhiên, hành vi dán khẩu hiệu “bêu xấu” đối thủ như vậy khó có thể chấp nhận. Song nói đi cũng phải nói lại, ngoài việc khách hàng được hưởng lợi từ taxi công nghệ giá rẻ như Grab, Uber, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra.
Đó là các tài xế taxi truyền thống, thậm chí là xe ôm truyền thống, đang gánh chịu những thiệt thòi vì “miếng cơm manh áo”. Hơn nữa, Grab, Uber liệu có tuân thủ tốt chính sách thuế cũng như các cơ sở pháp lý khác ở Việt Nam và họ thực sự có “cạnh tranh lành mạnh”?
Điều đáng nói, tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 8.000 nhân viên của hãng taxi nội địa Vinasun phải nghỉ việc mà nguyên nhân chính là vì cạnh tranh không lại với hai “ông kẹ” của khối ngoại là Grab và Uber.
Ngoài ra, phần rủi ro đã được hãng taxi đang trên đà sa sút này chuyển sang phía các tài xế vốn chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi Vinasun chuyển sang mô hình hoạt động mới (khoán cứng doanh thu cho tài xế và nhận một khoản cố định). Cùng với đó là việc các nhân viên chính thức của hãng được chuyển sang dạng hợp đồng, kéo theo nhiều chi phí phúc lợi cũng bị cắt giảm.
![]() |
Hà Nội, đang có hơn 19.000 xe taxi truyền thống và 7.000 xe taxi công nghệ. Còn ở Tp.HCM, taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe nhưng taxi công nghệ lên tới 22.000 xe.
Mong chính sách công bằng
Trong khi đó, hoạt động của taxi công nghệ như Grab hay Uber dù du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam nhiều năm nay nhưng đến giờ này vẫn làm cho cơ quan quản lý lúng túng khi phải đối diện những thử thách: Quản lý thế nào cho đúng khuôn khổ pháp lý, làm sao để tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng và không lách luật?
Theo ước tính, tại Hà Nội, đang có hơn 19.000 xe taxi truyền thống và 7.000 xe taxi công nghệ. Còn ở Tp.HCM, taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe nhưng taxi công nghệ sử dụng ứng dụng trên smartphone lên tới 22.000 xe. Nếu tính trên phạm vi toàn quốc, hiện Uber và Grab đã phát triển đến 40.000 xe.
Cần lưu ý, doanh nghiệp taxi truyền thống phải chịu nhiều chế tài quản lý như: thuế, giá, quy định về logo, mào xe, phù hiệu xe… Còn taxi công nghệ thì sao? Thực tế là họ dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý trong phát triển dịch vụ để cạnh tranh.
Nên nhắc lại, vài ngày trước, với quan điểm cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm là doanh nghiệp được làm, nên phía Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã bác bỏ kiến nghị hơi cực đoan của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Uber, Grab và tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm.
Cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với Bộ GTVT vì đây là những dịch vụ tốt, nhanh, giá rẻ nên chúng ta cần phát triển và nhân rộng mà không thể cấm. Còn taxi thuyền thống không theo kịp nên cố gắng dành thời gian học hỏi, làm sao để cạnh tranh cho kịp, không nên hồ đồ đề xuất cấm, dán khẩu hiệu phản đối. Điều đó chỉ càng thể hiện sự bất lực và không chịu cầu tiến.
Nhân chuyện này, ông Trần Bằng Việt, cựu Tổng Giám đốc của hãng taxi truyền thống Mai Linh, có đưa ra một ý tưởng khá táo bạo là tại sao Mai Linh không nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam và sử dụng hệ thống công nghệ của họ để khai thác hiệu quả hơn, nhất là khi Uber đang đuối sức và có dấu hiệu muốn rút khỏi thị trường Việt Nam.
Suy cho cùng, đây là thời điểm để các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và một số chính quyền địa phương cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hóa giải những hành vi được cho là cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng với không riêng gì taxi truyền thống mà cả với Uber và Grab, cũng như các loại taxi công nghệ khác.
Lẽ dĩ nhiên, chính sách không thể can thiệp sâu để cứu taxi truyền thống nếu như họ không tự thay đổi về mặt công nghệ để tự cứu mình, trong khi xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là giá rẻ và tiện lợi. Vấn đề là chính sách cần sớm tạo được sự cạnh tranh công bằng với những quy định phù hợp hơn.
Thế Vinh