Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) vừa ký kết hợp đồng chuyển nhượng 19,9% cổ phần của VNSteel trong dự án xây dựng nhà máy cán thép tấm nóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư dự tính 550 triệu USD cho Tập đoàn Danieli (Italia) - một trong ba nhà cung cấp thiết bị lớn nhất thế giới trong ngành thép. Ông Antonello Mordeglia, Phó Chủ tịch Tập đoàn Danieli đã trao đổi với KINH DOANH về kế hoạch triển khai thực hiện dự án quan trọng này cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
![]() |
Ông có thể cho biết lý do Tập đoàn Danieli quyết định đầu tư vào dự án cán thép tấm nóng này?
Đây là dự án cán thép tấm nóng đầu tiên của Việt Nam. Hiện chưa có một công ty nào được cấp phép để xây dựng nhà máy dạng này tại Việt Nam, đồng thời cũng chưa có một chủ đầu tư nào có khả năng, kể cả tiềm lực tài chính để thực hiện một dự án thép cuộn cán nóng quy mô lớn.
Danieli có lợi thế là một nhà cung cấp thiết bị và xây dựng nhiều nhà máy thép quan trọng tại Việt Nam. Việc tham gia đầu tư dự án đã đánh dấu một mốc quan trọng đối với hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam kể từ khi chúng tôi có mặt tại đây đúng một thập kỷ. Từ năm 2000, chúng tôi đã thực hiện được 9 hợp đồng lớn cung cấp thiết bị cho ngành thép của Việt Nam, bao gồm 4 hợp đồng với VNSteel, và nhà máy cuộn cán nóng là dự án đầu tư đầu tiên của chúng tôi trong ngành thép Việt Nam.
Dự án cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, bởi lẽ Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn thép cuộn cán nóng, ước tính khoảng 4-5 triệu tấn/năm. Nhà máy của chúng tôi dự kiến sẽ có sản lượng cuộn cán nóng lên tới 2 triệu tấn/năm, sẽ được khởi công trong năm nay và hoàn thành trong 36 tháng.
Dự án thép cán nóng Phú Mỹ đã khởi động từ vài năm trước, nhưng đến nay Danieli mới quyết định đầu tư. Như vậy có quá muộn không, thưa ông?
Đúng là dự án này đã được khởi động từ lâu rồi. Chúng tôi được biết là đầu năm 2007, Tập đoàn Essar (Ấn Độ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VNSteel và Tập đoàn Cao su Việt Nam để thực hiện đầu tư dự án này. Vào thời điểm đó, Essar nắm giữ tới 65% cổ phần của dự án, VNSteel là 20% và Tập đoàn Cao su Việt Nam là 15%. Nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính nên phía Essar đã rút khỏi dự án.
Sau khi hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được ký kết, Danieli nắm giữ 19,9% cổ phần của dự án, VNSteel là 64,1%, Tập đoàn Cao su Việt Nam: 15%, và Công ty Thép Đà Nẵng: 1%. Chúng tôi khẳng định là không có gì là quá muộn cả, và Danieli cam kết sẽ mang tới không chỉ những kinh nghiệm quốc tế mà cả tiềm lực tài chính cho dự án quan trọng và cho cả các đối tác của chúng tôi.
Nếu đối tác Việt Nam, chẳng hạn như VNSteel, tiếp tục mời mua thêm cổ phần của dự án, liệu Danieli có sẵn sàng tăng tỷ lệ góp vốn không?
Tỷ lệ 19,9% đối với chúng tôi là đáng hài lòng. Tập đoàn Danieli là một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, vì vậy quy trình ra quyết định đầu tư của chúng tôi rất chặt chẽ.
Được biết một trong những lý do khiến dự án cán thép tấm nóng đã bị chậm trễ là do khả năng tài chính của các đối tác tham gia dự án. Ngoài phần góp vốn của mình, Danieli có hỗ trợ dự án tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế, đặc biệt là từ các ngân hàng châu Âu?
Chúng tôi đã thỏa thuận với VNSteel là ngoài việc tham gia đầu tư dự án, Danieli sẽ tích cực tìm kiếm và hỗ trợ dự án có thể tiếp cận với nguồn vốn quốc tế khả thi nhất. Tất nhiên, mọi vấn đề còn đang ở phía trước nhưng chúng tôi tin rằng với uy tín và tiềm lực của mình, chúng tôi có thể làm nhiều hơn việc chỉ tham gia đầu tư một tỷ lệ nhất định vào một dự án quan trọng như thế này.
Có ý kiến cho rằng việc tham gia đầu tư vào dự án cán thép nóng sẽ làm tăng tỷ lệ thắng thầu cung cấp thiết bị của Danieli cho chính dự án này. Có phải như vậy không, thưa ông?
Không thể nói như vậy, vì việc cung cấp thiết bị cho dự án phải thông qua đấu thầu rất chặt chẽ. Với kinh nghiệm và hiểu biết của Danieli tại thị trường Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thì dù có hay không tham gia vào dự án, chúng tôi cũng tự tin rằng mình có những lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn bất kỳ một công ty cung cấp thiết bị nào khác.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tuyên bố và thậm chí đã được cấp phép các dự án xây dựng nhà máy thép lên tới hàng tỷ USD ở Việt Nam. Điều này khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường thép Việt Nam?
Thú thật, tôi thấy họ nói nhiều hơn làm. Trên thực tế, ai cũng nhận thấy rằng những dự án đồ sộ đó mới chỉ nằm trên giấy. Tốt nhất là hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra.
Dự án nhà máy cán thép tấm nóng đầu tiên tại Việt Nam với công suất 2 triệu tấn/năm được đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), cách Tp. HCM 100km về phía Đông Nam. |
|
Hoàng Mai thực hiện