Khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế theo chiều hướng tăng nhiều loại thuế, câu hỏi đặt ra là nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN nhỏ và vừa (DNNVV) vốn đang chiếm hơn 95% trên tổng số khoảng 600.000 DN trong cả nước?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá việc này sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định có một số chính sách tích cực từ đề xuất mới.
Khó hỗ trợ DN nhỏ
Chẳng hạn như chính sách hạ thuế suất thu nhập DN cho DNNVV. Đây có thể được coi là chính sách thúc đẩy hoạt động hiệu quả của DNNVV. Hoặc chính sách đơn giản hóa thủ tục thuế và kế toán cho DNNVV, đối với những DN không khấu trừ thuế trực tiếp, thủ tục với họ sẽ đơn giản hơn nhiều. Đó là những hành động cụ thể để thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV mà Quốc hội vừa thông qua vào tháng 6/2017.
Mặc dù vậy, tại buổi tham vấn giới DN và các chuyên gia ở Tp.HCM về dự thảo luật này do VCCI tổ chức ngày 13/9, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo lắng sẽ có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV.
Trong khi đó, các DNNVV đang rất cần sự hỗ trợ thuế tốt hơn và sợ nhất việc tăng thuế nhằm tăng cơ hội đầu tư vốn để mở rộng, phát triển DN, tạo thêm việc làm mới trong dài hạn, qua đó tăng số DN có khả năng nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách một cách bền vững.
Riêng với đề xuất tăng thuế VAT, theo luật sư Trần Xoa (Đoàn Luật sư Tp.HCM), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề nghị tăng thuế VAT từ 10% lên 12% (thuế suất 5% tăng lên 6%) là tăng khá cao so với các nước trong khu vực lân cận Việt Nam và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, không khuyến khích tiêu dùng, không phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay.
![]() |
Trong trường hợp tăng thuế VAT và hạ thuế suất thuế thu nhập DN có giúp được gì cho DNN VV?
Còn luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC (Đoàn luật sư Tp.HCM), cho rằng việc đề xuất tăng thuế VAT không có tác dụng nhiều với vấn đề hỗ trợ các DNNVV phát triển, bởi vì phần lớn DNNVV không có giá trị tăng thêm để đóng thuế thu nhập DN. Cho nên, nếu hạ thuế suất thuế thu nhập DN xuống 0% vẫn không ảnh hưởng nhiều đến DNNVV.
Nhiều chuyên gia bày tỏ, trong trường hợp tăng thuế VAT và hạ thuế suất thuế thu nhập DN cũng không giúp được gì cho DNNVV. Nếu có tăng thuế VAT, chỉ nên tăng từ 10% lên 12% đối với một số mặt hàng xa xỉ phẩm, hàng hóa hạn chế sử dụng để tăng nguồn thu. Và nhất thiết cần hạn chế tăng mức thuế suất đối với những hàng hóa là nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu của người dân.
Nếu mục tiêu của Chính phủ là tăng thuế chỉ để tăng thu ngân sách thì chưa hẳn sẽ đạt được, bởi vì khi tăng thuế VAT lên, giá cả sẽ tăng theo, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm xuống, mục tiêu vì vậy sẽ khó đạt được.
Có phản tác dụng?
Về vấn đề chuyển nhượng vốn, luật sư Sơn cho biết, trong số những DNNVV gặp tình trạng sản xuất khó khăn, kinh doanh thua lỗ nên phải chuyển nhượng vốn, giờ phải đóng thêm khoản thuế nữa, liệu có bất hợp lý hay không? Trong trường hợp này, Bộ Tài chính cần phân biệt những trường hợp cụ thể nào cần phải đánh thuế và những trường hợp không nên đánh thuế.
“Tại sao phải cào bằng. DN nhỏ đã kinh doanh thua lỗ, phải sang nhượng, sao lại còn gặp khó tiếp. Riêng về thuế VAT đối với lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh còn phải “giải cứu” lợn, gà, chuối… giờ lại tăng thuế suất, như vậy có thể sẽ phản tác dụng với những DN nhỏ muốn đầu tư vào lĩnh vực này”, luật sư Sơn lưu ý.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc công ty Cổ phần Tư vấn Thuế Kế toán Luật Việt Á, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế như thuế VAT, thuế thu nhập DN… được cụ thể hóa chi tiết một số ưu đãi khuyến khích thành lập DN mới, chuyển hộ kinh doanh lên DN như quy định Luật hỗ trợ DNNVV sắp tới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Nhưng song song với đó, ông Tuấn cũng băn khoăn về đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính. Ông cho rằng các nhà làm luật nên tham chiếu nghiên cứu tính đến thời gian năm 2020 theo một số nội dung Quyết định 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Nghĩa là cần nghiên cứu áp dụng cơ bản một mức thuế suất VAT vì nếu không khéo, sau năm 2020, hàng hóa, dịch vụ dần dần sẽ không chịu thuế VAT, hay hàng hóa đang chịu thuế suất 6% sẽ chuyển về một mức thuế suất 12%, trong khi hiện nay, các nước trong khu vực ASEAN có mức thuế suất dưới hoặc bằng 10%, trừ Philipines có thuế suất VAT 12%.
Ngay như việc hoàn thuế cũng được cho là ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DNNVV trong vấn đề xuất nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng cơ quan thuế và hải quan hiện đang không thực hiện hoàn thuế VAT đối với các trường hợp: hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất bán vào khu phi thuế quan; hàng hóa đã nhập khẩu nhưng xuất trả lại chủ hàng nước ngoài; hàng hóa đã nhập khẩu sau đó làm thủ tục xuất sang nước khác.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc công ty Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhấn mạnh rằng hệ quả của việc này là thuế VAT đầu vào luôn lớn hơn số thuế VAT đầu ra. Chi phí, giá bán hàng hóa xuất khẩu tăng, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của DN Việt và không phù hợp với chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng hóa.
Trên thực tế, trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất cuối cùng trực tiếp nhập khẩu, hoặc thông qua công ty vệ tinh thực hiện chức năng mua hàng để nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện. Điều đó không có gì khác biệt, vì vậy không nên có sự phân biệt giữa hai mô hình nhập khẩu trực tiếp và thông qua công ty vệ tinh.
Thế Vinh