Thay mặt Chính phủ, Bộ Công Thương vừa gửi báo cáo tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Báo cáo này cho biết xuất khẩu (XK) của Việt Nam trở thành động lực tăng trưởng với quy mô xuất khẩu tăng 2,7 lần, từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 263,4 tỷ USD năm 2019, thuộc tốp tốc độ tăng trưởng XK cao nhất thế giới, đứng thứ hai trong ASEAN và thứ 22 trên thế giới về quy mô XK.
Xuất khẩu đối mặt 200 vụ kiện
Báo cáo trên cũng chỉ ra, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, XK của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, XK của nước ta vẫn đạt được tăng trưởng dương, 9 tháng đạt 202,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Được kỳ vọng sẽ lập kỳ tích xuất khẩu trong năm 2020 nhưng ngành gỗ vẫn lo bị giả mạo xuất xứ. |
Ngành gỗ được xem là điểm sáng của XK, kỳ vọng đạt kim ngạch 13 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, rủi ro gian lận, chuyển đổi xuất xứ vẫn còn đó với ngành này.
Cho biết tăng trưởng XK đồ gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ rất khả quan trong thời gian qua, song điều ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty CP Lâm Việt lo lắng nhất là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Liêm, Mỹ là thị trường rất nghiêm khắc trong chuyện xử lý lẩn tránh thuế, gian lận thương mại. Nếu họ phát hiện thấy hành vi gian lận thương mại, gỗ Việt Nam không chỉ bị áp thuế như Trung Quốc, mà đối tác sẽ mất tín nhiệm với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
"Điều đó là không công bằng với chúng tôi. Thời gian qua, Lâm Việt đã sử dụng ván ép Việt Nam. Chúng tôi tiến hành đánh giá nhà máy cung cấp nguyên liệu cho mình trước khi quyết định mua hàng, qua đó giúp DN biết được nguyên liệu đó sản xuất ở Việt Nam hay Trung Quốc", ông Liêm chia sẻ.
Báo cáo trên của Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nước bị áp dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Do vậy, một số mặt hàng XK sang nhiều nước bị áp dụng thuế chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ...
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ việc PVTM với hàng XK của cũng tăng cả về số lượng và quy mô. Tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa XK của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Trong cả năm 2019 ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).
Còn nhiều mối lo
Đa số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất...
Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM đối với hàng XK của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc PVTM với hàng XK của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, việc thu thập số liệu, tìm hiểu về thực trạng hoạt động của ngành sản xuất trong nước nhằm phục vụ công tác điều tra PVTM còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thông tin và sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
Thời gian gần đây, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên quá trình điều tra các vụ việc (như việc thẩm tra tại chỗ DN) bị ảnh hưởng tiến độ. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước sẽ bị thiệt hại sẽ cần đến công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.
Không chỉ dừng ở bị kiện mà XK còn đứng trước nguy cơ bị trả về vì nỗi lo vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật. Theo Bộ Công Thương, với nông sản XK, công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa XK của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA) đã làm tốt. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu do đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam, chia sẻ DN rất khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mua nguyên liệu từ nông dân. Nhiều khi DN XK rồi mới ngã ngửa vì nhận ra nông sản Việt tốt nhưng không đủ tiêu chuẩn. Đây là lý do chúng ta không đi đường dài được trong nông nghiệp.
"Tình trạng nông sản đến nơi bị trả lại, quay đầu vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do sản xuất nông sản manh mún, không đạt số lượng và chất lượng, thiếu một quy trình thống nhất. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển là có một cổng thông tin điện tử để nông dân tìm hiểu hướng dẫn trồng, cách chăm sóc nông sản", bà Hằng kỳ vọng.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, nội lực trong hoạt động XK cũng là vấn đề cần lưu tâm. Hiện, XK dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị XK của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị XK cả nước. Đơn cử, ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, đặc biệt là Samsung.
Hay mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm trên 50%)... vẫn đang là điểm trừ trong thành tích XK. Đây cũng là vấn đề cần phải nhìn thẳng để cải thiện trong thời gian tới.
Ông Lê Triệu Dũng Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất, XK và DN Việt Nam cần xây dựng chiến lược XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. DN cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình XK sang các nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM. Ông Triệu Thành Nam Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Người nông dân Việt Nam chưa có nhiều cơ hội làm quen với khái niệm "nông nghiệp công nghệ cao", và đang sản xuất theo tập tính địa phương, mùa vụ... nên không nắm vững sản xuất và chế biết nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong tương lai, 3 phần quan trọng của chuỗi giá trị là thượng tầng (sản xuất), trung tầng (chế biến) và hạ tầng (đưa ra thị trường) cần được phối hợp với nhau tốt hơn. Ông Jonathan Pincus Cố vấn quốc tế cao cấp của UNDP Việt Nam Việc thu hút FDI đã giúp Việt Nam thâm nhập thị trường xuất khẩu và tạo ra việc làm ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của các DN FDI tại Việt Nam lại thâm dụng nguyên liệu nhập khẩu. Giá trị gia tăng nhập khẩu trong hàng XK của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. |
Lê Thúy