Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,2% xuống mức 6% cho năm 2016. Theo WB, sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn trong nửa đầu năm 2016, với GDP ước tính chỉ tăng 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái.
Trong chuyện này, liệu mức tăng thấp của kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng qua có phải là một phần trong những nguyên nhân?
Tăng thấp vì giá giảm!
Với góc nhìn riêng của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ở một số khía cạnh, Việt Nam đang bị tụt hậu. Đơn cử như xuất khẩu dịch vụ như là một tỷ lệ phần trăm của tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khá thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là xúc tác quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu và GDP.
Theo thống kê, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước: nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 37,4 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% và chiếm 40,7%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% và chiếm 10,1%. Hàng thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 3,7%.
Dệt may chỉ đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016 vừa tổ chức ở Tp.HCM hôm 19/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước).
Giới chuyên gia đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.
Thế nhưng, như nhận định của Bộ Công Thương, nếu loại trừ yếu tố giá giảm, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt 10,1% (mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước 13,4%), nhưng là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016.
Thực tế cho thấy việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may, khoáng sản, nông sản, thủy sản… vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay và bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố về giá và lượng.
Chẳng hạn dệt may chỉ đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%. Giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% (lượng giảm 23%); sắt thép đạt 832 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 530 triệu USD, giảm 12,3%.
Đối với nhóm hàng nông lâm, thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay chỉ tăng 6%. Rõ ràng đây là mức tăng rất thấp so với tiềm năng vốn có của ngành này. Thế nhưng, Bộ Công Thương lại cho rằng đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015 mà theo lý giải là vì cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%.
Lo điều gì?
Giới chuyên gia cho rằng tương quan giữa đóng góp cho xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, đóng góp của khu vực kinh tế trong nước thấp hơn gần 2,5 lần so với khu vực FDI.
Hiện nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 12,8% (cùng kỳ năm trước đạt 18,6%), chiếm tỷ trọng 21,5% tổng kim ngạch cả nước (cùng kỳ năm trước chiếm 20,2%).
Tiếp đến là thị trường EU tăng 9,8% (cùng kỳ năm trước tăng 11,6%) và chiếm tỷ trọng 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước chiếm 19%). Thị trường Trung Quốc tăng 14,3% (cùng kỳ năm trước tăng 13,6%), chiếm tỷ trọng 11,1% (cùng kỳ năm trước chiếm 9,9%).
Điều này, Bộ Công Thương đã cho thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều ngành có tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nay nhưng mục tiêu cả năm dự báo vẫn thấp. Chẳng hạn, ngành cà phê 6 tháng xuất khẩu đạt gần 900.000 tấn (tăng gần 40% về lượng và tăng gần 18% kim ngạch). Tuy vậy, dự báo cả năm chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,43 tỷ USD, tăng 10% về lượng nhưng giảm 7% kim ngạch.
Dự báo, cả năm xuất khẩu thủy sản cũng chỉ tăng khoảng 8%, trong khi các ngành khác như gỗ và các sản phẩm về gỗ chỉ tăng 1,4%; ngành cao su tăng 7,3% về lượng nhưng giảm 8,7% về kim ngạch… so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả và có trọng tâm Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”.
Ngoài ra, Bộ này cũng đang hoàn thiện Đề án thành lập văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, tập trung vào một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thế Vinh