Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Tổng hợp từ dự báo của OECD, ADB cập nhật đến ngày 26/9. |
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, trong 9 tháng qua, rất đáng mừng là tăng trưởng quý III đạt 5,33% - vượt mức những mong đợi trước đây, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%. Trong đó có điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước.
“Nếu so sánh với quốc tế, với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Mỹ”, ông Phương phân tích.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm. Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%); Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%; Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, cả 3 kịch bản trên đều chưa đạt được. Nhưng, ngay cả như vậy, GDP của Việt Nam vẫn được dự báo nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. ADB dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%; còn OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 4,9%; WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023.
Trong khi đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ đạt 2,2%, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2023; dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản đạt 1,8% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023.
OECD nhận định tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2023 và 2024. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2023 đạt 5,1%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023.
Còn đối với khu vực Đông Nam, Á, trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 9/2023, ADB nhận định tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á năm 2023 đạt 4,6%, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2023. Nguyên nhân chính là do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, giá hàng hóa cao, cùng với sản lượng nông nghiệp thấp hơn do thời tiết bất lợi.
ADB điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2023 của một số quốc gia Đông Nam Á so với dự báo trong tháng 4/2023 như: Singapore được điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm, đạt 1%; Lào và Philippines được điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm, lần lượt đạt 3,7% và 5,7%; Campuchia và Malaysia được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, đạt các mức tăng trưởng tương ứng là 5,3% và 4,5%. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Myanmar được giữ nguyên ở mức 2,8%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm 2023 của 3 quốc gia được điều chỉnh tăng so với dự báo trong tháng 4/2023: tăng 0,2 điểm phần trăm đối với Indonesia và Thái Lan, lần lượt đạt 5,0% và 3,5%; tăng 0,3 điểm phần trăm đối Brunei, đạt 2,8%.
Thy Lê