Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019, NCIF cho rằng, tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế.
Năm 2018, mức tăng trưởng GDP có thể cao hơn với 7,01% (Ảnh: Internet) |
Những tháng cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng đầu năm: Nhiều ngành kinh tế lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản… tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm.
Tuy nhiên, theo NCIF, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng. Về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2018 cũng như xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019, NCIF xây dựng 2 kịch bản dự báo kinh tế năm 2018 và 2019.
Cụ thể năm 2018, ở kịch bản 1, GDP tăng thấp hơn ở mức 6,83%, lạm phát được dự báo đạt mức 4%, bằng với mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Đối với kịch bản 2, mức tăng trưởng dự báo cao hơn với 7,01%, lạm phát tương ứng cũng ở mức tăng cao hơn, từ 4-4,2%, nhỉnh hơn chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 đã được Quốc hội đề ra.
Với năm 2019, 2 kịch bản là GDP sẽ tăng trưởng ở mức 6,9% hoặc 7,1%, tương ứng lạm phát ở mức 4% và 4,5%.
Thy Lê