Những dự báo gần đây cho thấy trong năm 2021, sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện khí sẽ tăng nhờ huy động thêm khí từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt mới được đưa vào khai thác trong tháng 11/2020.
Mở rộng đầu tư, tăng công suất
Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí từ mỏ này sẽ góp phần giúp Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đảm bảo các cam kết cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước).
Mảng đầu tư, kinh doanh điện khí được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 - 2025. |
Mảng đầu tư, kinh doanh điện khí cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm sau đó khi nền kinh tế trong nước phục hồi sau dịch Covid-19 (với tăng trưởng tiêu thụ điện được dự báo ở mức 8%-9% mỗi năm). Theo đó, hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy điện khí đang được mở rộng hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước
Mới đây nhất, vào ngày 8/2/2021, UBND Tp.Cần Thơ đã chính thức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án điện khí Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (có công suất thiết kế 1.050 MW), tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, với các nhà đầu tư: Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).
Đây cũng là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Tp.Cần Thơ, dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV/2025, vận hành thương mại vào tháng 12/2025.
Tính đến nay, cả nước có 14/28 dự án nhà máy điện khí đã được phê duyệt với tổng công suất dự kiến cho giai đoạn 2021-2030 là 38.800MW.
Tuy vậy, vấn đề cung - cầu nhiên liệu khí cho các nhà máy điện khí ở Việt Nam vẫn được cho là có những thách thức nhất định.
Trong thời điểm hiện nay, như nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), rủi ro thiếu khí sẽ giảm từ năm 2021 nhờ đóng góp của các mỏ khí mới trong nước và LNG nhập khẩu.
“Chúng tôi kỳ vọng mỏ khí tự nhiên Sao Vàng - Đại Nguyệt và trạm LNG Thị Vải sẽ lần lượt bắt đầu hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2023, hỗ trợ nguồn cung khí của Việt Nam khi các mỏ khí sẵn có trước đây có khả năng cạn kiệt trong ngắn hạn”, VCSC nhấn mạnh.
Lo chi phí đầu vào tăng
Thế nhưng, theo các nhà phân tích, LNG nhập khẩu là mấu chốt đáp ứng nhu cầu khí từ năm 2023 trở đi khi hoạt động khai thác mỏ tại bể Nam Côn Sơn đang dần cạn kiệt và trữ lượng khai thác từ mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt không đủ lớn để đáp ứng nguồn cung cho các năm tới.
Đặc biệt là các dự án điện Nhơn Trạch 3&4, nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ, Cà Ná, Quảng Ninh, Long An 1&2 là những dự án sử dụng khí LNG có quy mô lớn, dự kiến vận hành từ năm 2022 trở đi.
Hơn thế nữa, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại chi phí khí trung bình cho các nhà máy điện khí sẽ tăng mạnh khi nguồn cung khí mới có giá cao hơn đáng kể so với các mỏ khí hiện hữu.
Cụ thể, theo ước tính của VCSC, chi phí khí trung bình cho các nhà máy điện khí sẽ tăng từ 5,7 USD/triệu BTU trong năm 2020 lên 9,8 USD/triệu BTU trong năm 2025, tương ứng tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 11% trong giai đoạn 2020-2025.
Mức tăng mạnh trong chi phí khí này chủ yếu đến từ đóng góp cao hơn của mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt mới (với giá khí khoảng 10 USD/triệu BTU) và LNG nhập khẩu (khoảng 9-11 USD/triệu BTU).
Trở lại dự án điện khí Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (sử dụng nguồn khí trong nước và có tính tới sử dụng khí LNG nhập khẩu trong tương lai), nhà đầu tư từng kỳ vọng bán điện giá 11,02 UScent/kWh (cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay).
Chính vì vậy mà Bộ KH&ĐT từng đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư cần rà soát, phân tích kỹ tính cạnh tranh, khả thi về giá điện của dự án so với một số dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước và LNG nhập khẩu, cũng như đảm bảo phù hợp với các quy định về thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi dự án đi vào hoạt động.
Với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh mảng điện khí tại Việt Nam, giới chuyên gia lưu ý biến động giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá vốn bán hàng. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư những dự án điện khí với các khoản vay dài hạn chủ yếu là ngoại tệ thì doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá.
Trong các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh điện khí hiện nay, CTCP điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 được dự đoán sẽ trả hết nợ vay trong năm 2021 (dự kiến trong quý I hoặc quý II). Điều này sẽ giúp công ty giảm mạnh chi phí tài chính do lãi vay và lỗ tỷ giá khi USD và EUR tăng giá so với VND (ước tính giảm khoảng 200 tỷ đồng/năm).
Thế Vinh