Mới đây, khi gặp gỡ các chuyên viên phân tích để bàn về triển vọng kinh doanh trong quý I/2023 và cho cả năm nay, CTCP Thế giới số (DGW) - một nhà bán lẻ hàng đầu trong mảng công nghệ, đã đặt mục tiêu doanh thu thuần trong quý này kém khả quan, giảm nhẹ 1,8% xuống 4.000 tỷ đồng (giảm 42,9% so cùng kỳ năm trước từ mức nền cao), và lợi nhuận ròng dự báo giảm 16,5% xuống 130 tỷ (giảm 38,3%).
Niềm tin của người tiêu dùng còn yếu
Mục tiêu doanh thu này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Tuy vậy, DGW vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận ròng cả năm 2023 tăng trưởng vững chắc 15,1% so với năm 2022, đạt 787 tỷ đồng, với doanh thu thuần đạt 25.109 tỷ (tăng 13,8% so với năm 2022).
Khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến đang gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ trong quý I và nửa đầu năm nay. |
Theo ban lãnh đạo DGW, các mục tiêu ở kịch bản cơ sở được xây dựng trên các giả định chính như: Yếu tố vĩ mô cải thiện trong nửa cuối năm nay. Doanh thu toàn thị trường di động đi ngang, chủ yếu được bù đắp nhờ giá bán bình quân (từ xu hướng cao cấp hóa đang diễn ra). Với sản lượng tiêu thụ, doanh số Xiaomi kỳ vọng đi ngang, trong khi doanh số Apple gia tăng.
Bên cạnh đó, các thương hiệu và sản phẩm mới giúp làm dịu áp lực tăng trưởng. DGW đang tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào mảng dịch vụ ăn uống (F&B), phân phối độc quyền một nhãn hiệu bia ngoại qua kênh MT (kênh phân phối hiện đại) vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, và sắp phân phối một thương hiệu điện thoại mới ngay trong quý I.
Còn ở kịch bản kém tích cực, DGW đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng lợi nhuận ròng cho cả năm 2023 ở mức 10% so với năm trước.
Từ cả hai kịch bản như trên, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, những con số này phụ thuộc chủ yếu vào việc nhu cầu phục hồi, và sẽ tiếp tục quan sát kỹ lưỡng.
Trong khi đó, vào giữa tháng 2/2023, khi cập nhật tình hình thị trường, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, cầu nội địa vẫn đang tích cực nhưng có thể suy yếu trong thời gian tới.
Theo đó, ngành dịch vụ, bao gồm cả bán lẻ, có thể suy yếu trong những tháng tới do lĩnh vực sản xuất đang bị thu hẹp và thị trường bất động sản ảm đạm. Hơn nữa, áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, VnDirect vẫn kỳ vọng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm nay sẽ tăng 8,5-9,0% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 19,9%).
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Giới phân tích cho rằng, năm nay là năm khó lường khi mà những khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ trong nửa đầu năm 2023.
Tuy thế, với nhóm ngành này, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BSC vẫn kỳ vọng một cục diện tích cực hơn vào cuối năm 2023. Điều này nhờ vào việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kỳ vọng tình hình lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho cao và tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt.
Trên thực tế, so với mức nền cao của năm 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm, điều khiến cho các nhà bán lẻ lo ngại là tình hình cạnh tranh trong ngành sẽ càng trở nên gay gắt. Điều đó đã đặt thách thức tăng trưởng chung đối với nhóm ngành này trong cả năm nay, nhất là đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022.
Tuy nhiên, BSC kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sở hữu sức mạnh tài chính, theo đuổi xu hướng tiêu dùng hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành trong năm nay, nhưng mức tăng có thể thấp hơn so với mức nền cao của 2022.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, trước nhiều thách thức về thị trường như hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ cần tối ưu hóa mô hình hoạt động, cũng như tái cấu trúc toàn diện.
Việc tái cấu trúc toàn diện có thể nhìn thấy rõ từ trường hợp chuỗi Bách Hóa Xanh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Trong năm nay, chuỗi bán lẻ này sẽ tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động qua các chương trình cải thiện chuỗi cung ứng và mua hàng với mục tiêu đạt điểm hoà vốn toàn chuỗi vào cuối quý IV/2023. Vào cuối năm 2022, Bách Hóa Xanh còn 1.728 cửa hàng, giảm gần 20% so với năm trước.
Riêng với kênh thương mại điện tử của các nhà bán lẻ, theo ông Dũng, có những thời điểm phải chấp nhận tính bão hòa của thị trường đối với bản thân doanh nghiệp và một số mặt hàng, cũng như sự khựng lại của phía cầu. Tuy nhiên, trong thời điểm này, đây vẫn là kênh bán hàng đầy triển vọng, có đóng góp quan trọng vào sức tăng trưởng cho các nhà bán lẻ.
Để tạo đà tăng trưởng bán lẻ tiêu dùng cho năm nay, chuyên gia này lưu ý các doanh nghiệp nên ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet… nhằm đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Thế Vinh