Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,15%, quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Có thay đổi “lịch sử” tăng trưởng
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài Khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, đánh giá nhìn lại 6 tháng vừa qua thấy nền kinh tế nước ta có những tăng trưởng đột phá. Mức tăng GDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ 4 năm gần đây là 2010, 2012, 2013 và 2014, chỉ thấp hơn 2011 và 2015.
Đáng chú ý, quý I chỉ tăng 5,15% nhưng tới quý II, tăng trưởng đã bứt phá lên 6,17%. Như vậy, độ doãng của quý II so với quý I trên 1 điểm phần trăm. So sánh với lịch sử tăng trưởng cho thấy độ doãng quý II so với I thường chỉ ở mức 0,3-0,4%, đây là điểm tích cực.
Xét về tăng trưởng của ngành, theo ông Tuyến, quý II có mức tăng trưởng bứt phá, mạnh mẽ, có 17/21 ngành kinh tế có mức tăng cao hơn quý I. Một số ngành có mức tăng cao như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương mức tăng 10,50% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,79 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng trưởng 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm…
Tuy nhiên, ông Tuyến cũng đưa ra các thách thức như hiện nay, 13 trên 21 ngành kinh tế cấp 1 có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, thậm chí là âm như ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây.
Hơn nữa, nhập siêu hàng hoá quay trở lại, tính chung 6 tháng năm 2017, nhập siêu 2,70 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,92 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,22 tỷ USD. Đồng thời, tồn kho sản phẩm, tác động tới việc duy trì và mở rộng sản xuất của DN.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu cuối năm tăng trưởng là 6,7%, hiện nay quý I tăng 5,73%, 6 tháng cuối năm phải tăng trên 7,4%. Với giả thiết này, ông Tuyến đánh giá, lịch sử những năm qua cho thấy chưa có 6 tháng cuối năm nào đạt được mức tăng cao như vậy, nhưng không có nghĩa là không có cơ hội để làm được điều này.
Cụ thể, theo ông Tuyến, nguồn lực còn nhiều dư địa như thành lập doanh nghiệp, đầu tư, mở rộng kinh doanh (dưa địa đầu tư toàn xã hội của 6 tháng còn lại so với kế hoạch đề ra trên 60% chưa được thực hiện), tăng trưởng tín dụng (còn lại 2/3 mức tăng trưởng này sẽ được thực hiện) hay phát triển ngành lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, theo Bộ Công Thương, có một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động. Một số ngành như thuốc lá, dược phẩm, sản xuất động cơ vẫn còn dư địa tăng trưởng, quý III, quý IV sẽ tăng trưởng đột biến công nghiệp chế biến, chế tạo, Samsung cho biết xuất khẩu của họ sẽ tăng 25% so với 2016.
![]() |
6 tháng đầu năm 2017, GDP ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước
Vốn đầu tư công giải ngân chậm
Ông Tuyến cũng cho rằng còn nhiều khó khăn thách thức, giá cả một số mặt hàng giảm như thịt lợn hơi giảm sâu từ tháng 4/2017 đã ảnh hưởng tới phát triển đàn. “Theo ước tính của chúng tôi, tháng 4 giảm 0,2% đầu con, tháng 6 giảm hơn 3%, điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng”.
Đặc biệt, việc giá dầu thô đang có xu hướng giảm, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn biến xấu trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô. Giá than giảm thấp hơn than trong nước, các đơn vị sản xuất trong nước sẽ dùng than nhập khẩu.
Cùng với đó, nếu Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản sẽ tác động đến lãi suất tín dụng của Việt Nam. Như vậy, việc triển khai nhiệm vụ của ngân hàng trong giảm lãi suất tín dụng sẽ khó khăn.
“Mục tiêu 6,7% trong những chặng đường còn cơ hội nhưng cũng không thiếu thách thức. Hy vọng tăng trưởng 6 tháng còn lại nối tiếp đà bứt phá như quý II”, ông Tuyến cho biết.
Trước nhận định GDP tăng chậm có phải do vốn đầu tư công giải ngân chậm, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), cho rằng GDP chuyển biến khả quan nên không phải do vốn đầu tư công giải ngân chậm.
Tuy nhiên, ông Phong cho biết quan sát số liệu thống kê qua các năm qua cho thấy xu hướng giải ngân vốn chậm so với các năm, 6 tháng 2017 vốn đầu tư ngân sách 37,4% so với kế hoạch và năm 2016 là 36,2% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Phong nhận xét rằng đầu tư công gồm ba phần: ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và tín dụng đầu tư phát triển. Hai nguồn là tín dụng đầu tư và trái phiếu chính phủ thấp hơn các năm trước.
Trong 6 tháng 2017, vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 14,8% so với kế hoạch trong khi 2016 đạt 26,3%, còn tín dụng đầu tư phát triển 6 tháng 2017 đạt 36,1% , 6 tháng 2016 đạt 40,8% so với kế hoạch. Nguyên nhân là giao kế hoạch cho năm nay chậm.
“Hy vọng, xu hướng cuối năm, nguồn vốn này được đẩy mạnh và giải ngân hết, tác động tới tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam”, ông Phong nói.
Lê Thúy