Đây là quan điểm của ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế vừa diễn ra.
![]() |
Việc giảm thuế sẽ làm giảm chi phí của nhiều DN, có thể tạo ra nhiều DN hơn, lúc đó nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn
Theo ông Doanh, đề xuất tăng thu thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu cho thấy Bộ Tài chính đã phát huy sáng kiến nhiều trong việc khai thác sản phẩm xăng dầu. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, tăng thuế môi trường không phải bảo vệ môi trường cần phải xem xét, không nên tăng quá cao vì năng lực cạnh tranh của DNVN bị hạn chế, ảnh hưởng tới lạm phát và túi tiền của người dân.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, cho rằng, Nhà nước muốn bù đắp hụt thu ngân sách buộc phải tăng thuế nội địa. Tuy nhiên, cần thẳng thắn mà nói, việc giảm thuế sẽ làm giảm chi phí của nhiều DN, có thể tạo ra nhiều DN hơn, lúc đó nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn.
"Giảm thuế mới là con đường để tạo ra nguồn thu bền vững", ông Tuyển nhận định.
Tuy nhiên, đại diện cho cộng đồng DN kinh doanh xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết, ông rất ủng hộ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít.
"Chúng tôi rất ủng hộ, đề nghị Bộ Tài chính sớm điều chỉnh, đưa thuế môi trường lên, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước", ông Ruệ nói.
Theo ông Ruệ, tăng thuế bảo vệ môi trường là vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, tăng thuế 1.000 đồng/lít đã thu hàng mấy chục tỷ, nếu tăng 8.000 đồng/lít, thu về cho ngân sách nhà nước là rất lớn. Có thể giải quyết môi trường ở một số nơi do sử dụng xăng dầu, còn bao nhiêu cân đối vào ngân sách, bù trừ vào các khoản khác như dầu thô sụt giảm, thuế nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, theo ông Ruệ, chúng ta phải quan tâm 3 lợi ích là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, lợi ích nhà nước là quan trọng nhất. Vì vậy, tăng thuế bảo vệ môi trường để lấy tiền tiền xây dựng đất nước là hoàn toàn hợp lý. Là công dân Việt Nam ai cũng phải hiểu điều đó.
Thậm chí, ông Ruệ dẫn chứng, bây giờ ở Việt Nam mới nói tăng thu thuế môi trường, trong khi các nước người ta làm cả rồi, đồng thời thuế nhập khẩu giảm từ 20% xuống 0%, cần tìm nguồn để bù vào.
"Rõ ràng đó là trách nhiệm của công dân với nhà nước", ông Ruệ nhấn mạnh lần nữa.
Liên quan tới vấn đề tăng thuế bảo vệ mô trường, mới đây, các ủy ban của Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Trước đó, ngày 10/3, Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
Theo lộ trình được Bộ Tài chính đưa ra, tháng 9/2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017 trình Quốc hội xem xét thông qua ngay trong một kỳ họp.
Lê Thuý