Theo lộ trình tăng phí, các trạm thu phí BOT trong giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm sẽ xem xét cho tăng phí một lần. Đến thời điểm này, gần như các dự án BOT đều đến hạn của lộ trình được tăng phí theo phương án tài chính đã đặt ra cho các dự án BOT đó. Đây chính là lý do vì sao vừa qua, một loạt các trạm thu phí BOT đồng loạt tăng phí, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Phí BOT vẫn thấp?
Tại Hội nghị giao ban quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng mức phí qua các_trạm BOT_của Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng_mức thu phí_tại Việt Nam tính trên một km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Như tại Trung Quốc, trung bình là 1 NDT (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km, còn Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng so với thu nhập bình quân ở Việt Nam, phí đường bộ quá cao cùng với sự dày đặc của các trạm BOT, dẫn tới tình trạng xáo trộn trong giá cước vận tải, đặc biệt khiến cuộc sống của những người sống quanh các trạm này khó khăn do thường xuyên phải đóng phí quá cao.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, dẫn ví dụ: “Tuyến Hà Nội – Thái Bình chỉ có 100 km đã có tới 4 trạm thu phí BOT, vì thế, Bộ GTVT xem xét lại cự ly của các trạm BOT, tìm cách gom các trạm lại để có thể thực sự tiệm cận với quy định cứ cách 70 km mới có một trạm thu phí”.
Về lộ trình_tăng phí BOT, Bộ GTVT khẳng định quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ GTVT – Tài chính đã duyệt phương án tài chính, định ra lộ trình tăng phí theo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên.
Các dự án này có quá trình chuẩn bị kỹ, có lộ trình rõ ràng. Giai đoạn từ 2010 – 2013, gần như không tăng một chút nào, thậm chí năm 2010, có những trạm chỉ thu 10.000 đồng/lượt, sau đó phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Hiện mức phí đang áp có hai loại: trạm phí thu trên cao tốc thực hiện theo km, mức trần cho phép cao nhất là 2.000 đồng/phương tiện/km, hiện đang thực hiện 1.000, 1.200 và 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã thu 2.000 đồng/km và Ninh Bình – Cầu Giẽ đang đề xuất tăng.
Các trạm trên tuyến quốc lộ chủ yếu thu theo phương án tài chính của nhà đầu tư với mức phí cao nhất là 45.000/xe tiêu chuẩn/km, hiện chỉ thu 30.000 – 40.000 đồng/xe tiêu chuẩn, một số trạm đã thu kịch giá trần.
Rõ ràng, khi dự án BOT thực hiện thì nhà đầu tư BOT được duyệt tăng phí theo lộ trình, song nhưng sức chịu đựng của người dân thì không có “lộ trình”. Bởi vậy, người dân mới ngỡ ngàng khi phí BOT tăng gấp đôi.
![]() |
Mức phí BOT đồng loạt tăng cao
Sức chịu đựng không có… “lộ trình”
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định, dù cá nhân đã không ít lần lên tiếng về chuyện các trạm BOT tăng phí bất hợp lý nhưng tại nhiều tỉnh, thành phố, tình trạng trên vẫn xảy ra, khiến người dân và doanh nghiệp điêu đứng.
Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc các địa phương liên tiếp tăng phí BOT đã gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng, khiến nền kinh tế trở nên trì trệ hơn.
“Tăng phí lên cao như thế thì sức mua của người dân sẽ hạn chế, hàng hóa vận chuyển chậm đi, không kích thích phát triển kinh tế” ông Liên cho hay.
Từ những bức xúc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vận tải trước yêu cầu giảm phí hiện nay, Thứ trưởng Trường bày tỏ: “Đúng là việc tăng phí đồng loạt của các trạm thu phí trên toàn quốc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”.
Liên quan đến bức xúc của người dân một số địa phương về phí, ông Trường cho biết thêm, Bộ GTVT cơ bản tiếp thu và đang làm việc với Bộ Tài chính cũng như các nhà đầu tư để đưa ra một lộ trình thu phí phù hợp hơn trong thời gian tới.
“Để đảm bảo sức chịu đựng của người dân, Bộ GTVT đang xem xét tổng thể các dự án BOT để tính toán đến lưu lượng ở các trạm, sức chịu đựng của người dân tại những vùng kinh tế đó để đưa ra lộ trình tăng phí phù hợp”, Thứ trưởng Trường cho biết.
“Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các trạm BOT tăng cường bán vé tháng cho các DN thường xuyên qua lại trạm, vì mua vé tháng cũng giảm được 10%-25% mức phí qua trạm. Đối với người dân ở gần khu vực có trạm BOT, như cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Hòa Bình, Bộ GTVT cũng đề nghị nhà đầu tư xem xét giảm phí…” – ông Trường nói.
Thanh Hoa