Các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số niềm tin tiêu dùng là chỉ số đo niềm tin của người tiêu dùng trong một nền kinh tế. Niềm tin tiêu dùng được thể hiện qua mức độ lạc quan về nền kinh tế, về thu nhập, và mức độ chi tiêu của người dân. Nếu người dân lạc quan vào tương lai, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, và ngược lại. Từ đây có thể thấy nền kinh tế sẽ mở rộng hay thu hẹp.
![]() |
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam trong tháng 12 tăng kỷ lục là sự khích lệ cho tăng trưởng kinh tế
Mừng trước mắt
Chính vì vậy, việc công bố chỉ số người tiêu dùng Việt Nam vào hàng tháng của ANZ luôn gây sự chú ý lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là trong tháng cuối cùng của năm 2015, với mức 144,8 điểm được cho là _một kỷ lục mới (cao hơn nhiều so với mức trung bình trong suốt hai năm qua là 136,6 điểm) và là lần đầu tiên đạt mức cao nhất châu Á.
ANZ cho biết, về dài hạn, 66% người tiêu dùng được thăm dò kỳ vọng tình hình kinh tế Việt Nam ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới. Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, yếu tố hộ gia đình không những là yếu tố ổn định cho sự tăng trưởng, mà quan trọng hơn, đó còn là yếu tố làm nên tăng trưởng với tiêu dùng hộ gia đình chiếm 65% GDP.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự lạc quan này sẽ kích thích tiêu dùng tốt hơn, tạo ra chuyển động thị trường, khuyến khích các hoạt động đầu tư nước ngoài vào hoặc đầu tư trong nước gia tăng để nắm bắt nhu cầu.
Nhưng dưới góc độ kinh doanh, khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số doanh nghiệp cho rằng chỉ số này vẫn chỉ là một kênh tham khảo, trước mắt thì cũng thấy mừng, nhưng tâm lý chuyển biến và cách ứng xử của người tiêu dùng với hàng nội hay hàng ngoại trong tương lai lại là điều đáng lo.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt ngày càng tự chủ trong việc mua sắm. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ gấp ba lần hiện tại, đạt đến con số 33 triệu người. Việc mua sắm cho bản thân nhiều hơn là mua sắm cho đại gia đình như những năm về trước.
Người tiêu dùng trở nên “luôn vận động”, vì thế họ ưa thích những sản phẩm hoặc dịch vụ tiện lợi phục vụ tốt nhất cho cuộc sống bận rộn của họ. Và người tiêu dùng Việt Nam luôn có nhu cầu cao để được kết nối vào Internet mọi lúc, mọi nơi. Đây là cơ hội cũng là thách thức với các doanh nghiệp nội trước áp lực của hàng ngoại sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam trong tương lai.
Lo đường dài
Theo ông Vaughan Ryan, CEO Nielsen Vietnam, trong một môi trường trực tuyến đang thay đổi hàng giờ, hàng phút, quan điểm “cá lớn nuốt cá bé” đã dần được thay bằng quan niệm “cá nhanh nuốt cá chậm”. Do đó, chỉ cần nắm bắt được xu hướng người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường và đáp ứng được những nhu cầu đó thì các doanh nghiệp sẽ thành công.
Với hơn một nửa dân số Việt Nam vẫn tập trung tại các vùng nông thôn nên theo Vaughan Ryan, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội phát triển tiêu dùng tại các thị trường xa xôi và đầy tiềm năng này.
Điều đáng bàn là các doanh nghiệp Việt Nam có muốn biến thị trường nội địa thành thị trường tiêu thụ lớn nhất với những sản phẩm nội địa hay chưa để đáp ứng, tận dụng lại sự lạc quan của người tiêu dùng. Trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn để dồn sức cho xuất khẩu thì thị trường nội địa đang bị xâm nhập mạnh bởi hàng ngoại.
Thống kê gần đây của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cũng cho biết thị trường nông thôn nổi lên như là một nguồn tăng trưởng mới, vốn chiếm 68% của 90 triệu dân cả nước và hiện chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến nông thôn.
Và Vụ Công nghiệp nhẹ cũng cảnh báo rằng các sản phẩm trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong việc xúc tiến mở rộng thị trường nội địa.
Khi nhìn vào chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 12 này, chuyên viên phân tích kinh tế Lưu Huỳnh Vĩnh Phúc đã lưu ý rằng sự lạc quan này mới chỉ thể hiện tâm lý lạc quan chứ chưa thể phản ánh những thực tại của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức khi hội nhập, người tiêu dùng sẽ vẫn có xu hướng tiết kiệm khi ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, mua các sản phẩm ở mức giá thấp hơn, mua hàng khuyến mãi nhiều hơn.
Thực ra, sự lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nhận định khả quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%.
Nhưng như vậy không phải là không có thách thức, nhất là khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm tới, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của Việt Nam.
Vì vậy, những chỉ số đánh giá cuối năm 2015 của ANZ đơn giản như một sự khích lệ đến nền kinh tế và để doanh nghiệp Việt Nam “thủ thế” trong năm tới.
Thế Vinh