Việc tất cả các hàng hóa XK của Việt Nam vào EU sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi GSP sẽ giúp cho nhiều ngành hàng XK nhanh chóng gia tăng thị phần và kim ngạch. Song bên cạnh những yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, GSP mới còn đặt ra quy chế "trưởng thành" và sẽ đơn phương chấm dứt ưu đãi thuế quan khi đạt được ngưỡng này.
Ưu đãi… có thời hạn
Các mặt hàng sẽ được đưa vào diện "trưởng thành" khi có sự gia tăng về thị phần tại EU với ngưỡng quy định là 17,5%, riêng hàng dệt là 14,5%. Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), với quy định này, hầu hết mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, nhựa… sớm đạt và vượt ngưỡng trưởng thành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những ưu đãi của GSP vốn mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam sẽ dần mất đi và có nguy cơ đe doạ đến tính bền vững của thị phần XK các mặt hàng tại thị trường này.
Theo tính toán cụ thể, nếu áp dụng GSP mới thì thị phần của mặt hàng cà phê sẽ tăng từ 12,11% lên 21,68%; thuỷ sản tăng từ 9,89% lên 19,01%; giày dép sẽ tăng thị phần lên 34%, và các mặt hàng này chắc chắn sẽ đạt ngưỡng trưởng thành. Các sản phẩm nhựa dù có thị phần XK khá thấp, chiếm khoảng 5,72%, song với tốc độ tăng trưởng 20 - 30% như hiện nay, đây cũng là mặt hàng có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành. Trong khi đó, hàng quần áo và may mặc được dự báo sẽ tăng thị phần từ 7,46% lên 10,5%, song với mức tăng trưởng XK đạt 19%, lại rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP.
Như vậy, trong số các mặt hàng XK có thế mạnh của Việt Nam vào EU, ông Quân cho biết, chỉ có sản phẩm gỗ, nguyên liệu dệt và hàng điện tử, điện thoại là có khả năng được hưởng ưu đãi GSP ổn định do có thị phần khá thấp (dưới 4%).
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mức giảm thuế nhập khẩu 3,5% đối với sản phẩm nhạy cảm và 0% đối với các sản phẩm không nhạy cảm sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm giày dép Việt Nam tăng đáng kể năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần tại EU cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Song tỷ lệ xem xét "cơ chế trưởng thành" mà EU đưa ra hiện là 17,5%, nên với tốc độ tăng trưởng khá cao hiện nay, Việt Nam sẽ sớm qua ngưỡng trưởng thành sau năm 2014, và những ưu đãi GSP cũng sẽ không còn tác dụng với các DN XK giày dép.
![]() |
Trong khi đó, để được hưởng những ưu đãi từ GSP mới, các DN XK phải đáp ứng những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo quy định của EU. Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng lợi thế cạnh tranh mà GSP mang lại là lợi thế "ngoại sinh", chứ không phải "nội sinh", nên không mang tính bền vững. Thực tế tại May 10, cho thấy, công ty này vẫn chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn với các sản phẩm có xuất xứ toàn bộ, còn với hàng FOB, các nguyên liệu chính như vải vẫn do khách hàng chỉ định và chủ yếu nhập từ Trung Quốc, trong khi các phụ liệu tự mua trong nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 10%), nên rất khó xin được giấy chứng nhận ưu đãi.
Nhiều rào cản quy tắc xuất xứ
"Mặc dù hệ thống GSP dành nhiều ưu đãi, thuận lợi cho XK của Việt Nam nhưng May 10 vẫn rất khó để có thể tận dụng được các ưu đãi đó. Vấn đề mấu chốt của các DN dệt may nói chung và May 10 nói riêng là phần xuất xứ nguyên phụ liệu đầu vào. DN Việt Nam có thể liên kết, tận dụng các vốn đầu tư để trực tiếp sản xuất nguyên phụ liệu ngay từ trong nước là tốt nhất, song hiện vẫn chưa làm được", ông Việt cho biết.
Hoặc với sản phẩm gỗ - vốn được đánh giá là được hưởng ưu đãi dài hạn, song những yêu cầu về quy tắc xuất xứ với nguồn gỗ hợp pháp được sản xuất trong nước cũng là "rào cản" để tận hưởng những ưu đãi từ GSP. Ông Claudio Dordi, Cố vấn trưởng Dự án EU - Mutrap, còn cho biết, theo quy định của GSP mới, thủ tục thiết lập và kiểm soát xuất xứ sẽ thay đổi. Thay vì xin giấy cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi thuế từ các cơ quan chức năng của nước được hưởng thụ, các DN XK sẽ phải xin mẫu này tại các nhà chứng thực của EU.
"Trong tương lai có hệ thống đăng ký XK, và những quy định đăng ký XK này phải tuân thủ quy chế do EU đặt ra và có cơ quan để cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nếu phát hiện trường hợp cấp sai và có gian lận, các DN XK sẽ bị cấm xuất hàng vào EU trong thời gian dài", ông Claudio Dordi nói.
Theo quy định, nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước trong khu vực ASEAN thuộc diện ưu đãi GSP cũng sẽ được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, từ năm 2014, Malaysia sẽ là nước trưởng thành, Singapore đã ký FTA, nên hàng XK của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ nước này sẽ còn không được hưởng ưu đãi.
Đặc biệt, khi Việt Nam ký FTA với EU, những ưu đãi GSP cũng sẽ mất giá trị, nên các chuyên gia cho rằng chỉ với 7% lượng hàng hóa XK của Việt Nam hiện nay được hưởng GSP, các DN cần sớm có chiến lược phù hợp trên cơ sở tính toán các dòng thuế và yêu cầu nguyên tắc xuất xứ để nhanh chóng tận dụng ưu đãi của cơ chế này gia tăng kim ngạch XK.
------------------------------
Tìm hiểu kỹ các dòng thuế
Ông Claudio Dordi, Cố vấn trưởng Dự án EU - Mutrap
------------------------------------
Để tận dụng ưu đãi GSP, các DN cần tìm hiểu kỹ thị trường XK của mình, các đối thủ cạnh tranh, số lượng XK, mức thuế suất cho các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, theo dõi hoạt động XK hàng hóa của đối thủ vào EU trong thời gian GSP có hiệu lực dựa trên các thống kê về kim ngạch và giá trị. Các DN cũng lưu ý, chúng tôi có trang website hỗ trợ thông tin XK vào EU, nên khi XK cần tìm hiểu kỹ mức thuế suất được áp khi XK vào EU, quy định về xuất xứ hàng hóa để có chiến lược tốt hơn.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng XK bền vững
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại
------------------------------------
Danh mục, mức thuế GSP thường không cố định mà được điều chỉnh theo định kỳ, làm ảnh hưởng đến khả năng xâm nhập thị trường. Điều này dẫn đến sức sản xuất của nhiều mặt hàng có GSP bị ảnh hưởng và điều chỉnh. GSP cũng làm nẩy sinh tâm lý ỷ lại, không tạo sức ép tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nên không tạo ra sự cân bằng động trong XK. XK có thể tăng nhờ GSP, nhưng nhập khẩu cũng tăng do sức cạnh tranh về năng suất lao động, chất lượng và giá thành trong sản xuất vẫn thấp.
Về lâu dài, các ưu đãi GSP này sẽ giảm xuống và ý nghĩa của nó cũng giảm dần và triệt tiêu, nên trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), một mặt vừa phải tranh thủ tận dụng GSP, vừa phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Đây là con đường cơ bản tăng năng lực XK bền vững.
Cần tham vấn thường xuyên với Nhà nước
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu
------------------------------------
Với nhóm hàng sẽ vượt ngưỡng và nhóm được hưởng ưu đãi ổn định, cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường, tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị phần khi mà Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, đang bị áp thuế MFN với mức trung bình cao hơn. Đây là cơ hội để khai thác FTA có hiệu lực khi đàm phán kết thúc theo mục tiêu. Với hàng hóa có nguy cơ chạm ngưỡng hoặc bị tự vệ, hoặc phải đẩy mạnh tăng trưởng hết mức, vừa phải đa dạng hóa thị trường.
DN cũng thường xuyên tham vấn với Bộ Công Thương để nắm bắt tiến trình đàm phán FTA và có điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt, thông báo những vướng mắc khi tiếp cận thị trường EU và phối hợp cùng Bộ để vận động EU tiếp tục trao GSP.
Cẩm An