Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) nội địa hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết công ty đang đầu tư vào 7 nhà máy và sang năm 2025 sẽ tăng thêm 3 nhà máy nữa, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch lên 45% với tất cả linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế.
Có chiến lược đầu tư phù hợp
Riêng về mảng công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, theo ông Dương, trong năm 2024, Thaco đã xuất khẩu (XK) gần 140 triệu USD, thông qua bán cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Để ngành sản xuất nội địa có sự chuyển mình mạnh mẽ đang cần sự chủ động của các DN với tầm nhìn, chiến lược đầu tư dài hạn. |
“Sang năm, chúng tôi dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang tiếp tục triển khai Khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam, vì hiện nay, các doanh nghiệp FDI đưa qua đây lắp ráp và chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ sử dụng”, Chủ tịch Thaco nói.
Tuy vậy, như lưu ý của ông Dương, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa có chiến lược rõ ràng mặc dù đã lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam, trong khi chúng ta nói nhiều về bán dẫn, công nghệ mới, nhưng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần có thời gian. Cho nên rất mong Chính phủ xem xét vấn đề này, đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như XK.
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 2.000 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Để các DN Việt trong thời gian tới tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Tp.HCM, cho rằng điều mà các DN nên làm là đầu tư thêm về trình độ sản xuất, hoàn thiện kỹ thuật, đầu tư thêm về ISO và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo bà Oanh, để có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe và rất cao từ những thị trường công nghệ mới nổi (như công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghiệp y tế giá trị cao…) cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi giữa các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa liên kết chặt chẽ với nhau cùng tạo thành chuỗi, cụm chi tiết.
Không chỉ với lĩnh vực sản xuất cơ khí hay công nghiệp hỗ trợ, với ngành sản xuất nội địa nói chung, giới chuyên gia cho rằng điều cần làm là phải xây dựng cho được chiến lược đầu tư dài hạn.
Ts. Đào Lê Trang Anh (Đại học RMIT) nhấn mạnh, trong bối cảnh tiến bộ công nghệ, biến đổi khí hậu và những thách thức địa chính trị, ngành sản xuất toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ. Vì thế, các DN sản xuất của Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược của mình để đối phó với nhiều bất ổn về các chính sách kinh tế, chính sách khí hậu, rủi ro địa chính trị toàn cầu, cũng như bất ổn liên quan đến năng lượng.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các DN sản xuất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào thiết bị mới, công nghệ và quy trình để đáp ứng các yêu cầu về năng lượng mới, nhằm giảm tác động đến môi trường và nâng cao tính bền vững. Tương tự, các DN sản xuất Việt Nam cũng cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư phù hợp để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững”, vị chuyên gia của RMIT nói.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Đề xuất tầm nhìn dài hạn cho DN sản xuất Việt Nam nhằm ứng phó với tình hình bất ổn năng lượng và đồng thời nắm bắt cơ hội từ các xu hướng mới, Ts. Đào Lê Trang Anh chỉ rõ là cần đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải tiến công nghệ và tăng cường hiệu quả, da dạng hóa nguồn cung cấp, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc các chính sách khuyến khích và trợ cấp hợp lý nhằm giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu cho các DN đầu tư vào các dự án bền vững, trở thành “DN xanh”.
Thực tế, khi người tiêu dùng và các đối tác càng gây nhiều áp lực về hành động xanh thì các DN sản xuất nội địa sẽ càng cải tiến quy trình mạnh mẽ hơn nữa. Điển hình, gần đây, các nhà bán lẻ quần áo lớn như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm tiêu thụ nước/năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Còn theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn công nghệ CMC, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày một phát triển (theo dự đoán của Gartner đến năm 2030 sẽ tạo ra 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng 15%, còn Việt Nam nếu áp dụng tốt có thể sẽ tạo ra 150 - 200 tỷ USD cho GDP), đã đến lúc Việt Nam phải có một chiến lược chuyển đổi AI thay vì chỉ là chuyển đổi số.
Như khuyến nghị của ông Chính, Chính phủ nên có chiến lược về AI và phía DN sẵn sàng cùng tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, những DN công nghệ “đầu tàu” của Việt Nam cũng cần làm sao để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển không chỉ cho DN của mình mà còn cho các DN sản xuất vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy, không chỉ có AI mà Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain) và phân tích dữ liệu lớn (BDA) cũng đang nổi lên như những công nghệ cần thiết cho DN sản xuất ở Việt Nam. Các công nghệ tiên tiến như vậy mang lại tiềm năng thay đổi cho các DN Việt khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là cải thiện đáng kể vận hành bằng cách tinh giản quy trình, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và nâng cao năng lực ra quyết định.
Chính vì thế, với tầm nhìn dài hạn, bằng cách nắm bắt và ứng dụng những công nghệ này, các DN sản xuất nội địa có thể đạt được mức hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Thế Vinh