Nói đến chỉ dẫn địa lý (CDĐL), không thể không nhắc tới trái thanh long Bình Thuận. Kể từ khi có CDĐL, thanh long Bình Thuận đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Giai đoạn 2016-2019, các doanh nghiệp (DN) của Bình Thuận đã xuất khẩu (XK) chính ngạch hơn 28 triệu USD, tương đương 24.500 tấn thanh long tươi.
Nhiều nông sản XK chưa có CDĐL
Không riêng gì trái thanh long, CDĐL đã tác động đến giá trị của các sản phẩm khác như: nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, cam Cao Phong, cà phê Sơn La, hạt điều Bình Phước, rau an toàn Mộc Châu… Giá bán của các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng, cụ thể như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%, đặc biệt như bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ...
Nhờ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thanh long Bình Thuận được XK tới nhiều thị trường trên thế giới. |
Có thể thấy vai trò là khỏi phải bàn nhưng thực tế số sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài rất ít. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, toàn quốc hiện có trên 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, nhưng chỉ có 70 sản phẩm được bảo hộ CDĐL và 160 nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ một số ít được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, như: Nước mắm Phú Quốc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cà phê Buôn Mê Thuột, thanh long Bình Thuận…. Một số nhãn hiệu đặc sản Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài, phải mất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được quyền đăng ký bảo hộ.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Đặc biệt, EU đã cam kết bảo hộ 39 CDĐL của Việt Nam, đây sẽ là “giấy thông hành” để các sản phẩm gia tăng cơ hội XK sang thị trường này. Tuy vậy, thẳng thắn mà nói con số 39 CDĐL vẫn rất ít so với số lượng nông sản XK của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Theo ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Hiệp định EVFTA đã đem lại cơ hội rất lớn cho XK cà phê Việt Nam. Riêng công ty của ông Hiệp XK khoảng 40% sản lượng cà phê của Gia Lai và có thể tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệp định này cũng đòi hỏi sự minh bạch, cạnh tranh công bằng từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm. Yêu cầu khắt khe ngay từ công đoạn đầu tiên là làm gia công.
Ông Hiệp chia sẻ: Muốn làm gia công cho các nhà nhập khẩu EU thì DN phải có vùng nguyên liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc tới từng gốc cây, có CDĐL rõ ràng. 2 năm qua, DN này đã phối hợp với tỉnh Gia Lai, Bộ KH&CN làm CDĐL cho khoảng 20.000 ha cà phê của Vĩnh Hiệp.
Theo đánh giá của ông Hiệp, CDĐL rất quan trọng cho việc chế biến sâu nông sản XK sang châu Âu, tránh tình trạng gian lận thương mại nhầm lẫn vùng này sang vùng kia. Hiện, Vĩnh Hiệp vẫn XK được hàng vào châu Âu là do sản phẩm đáp ứng được truy xuất và chứng nhận về tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những chứng nhận này chỉ là bước đầu để thâm nhập thị trường này.
"Về lâu dài, nông sản XK của Việt Nam cần phải có CDĐL rõ ràng, cũng như đến lúc nào đó, đây sẽ là điều kiện bắt buộc để đưa nông sản vào thị trường EU. Có như vậy, DN XK nông sản mới không bị làm khó khi các nhà nhập khẩu đòi hỏi. Ở những quốc gia như Nhật Bản, CDĐL rất chi tiết, đến mức ai cũng có thể dễ dàng tìm hiểu về một mặt hàng của Nhật", ông Hiệp chia sẻ.
Tận dụng lợi thế để nâng cao giá trị
Tương tự, bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu, cho biết XK hồ tiêu của Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng. Tại sao Việt Nam không nhân cơ hội này để khẳng định thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới bằng cách đăng ký CDĐL.
Theo bà Hậu, đây là hướng đi tất yếu. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ xây dựng được CDĐL cho hồ tiêu Phú Quốc, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hồ tiêu Phú Quốc sản lượng rất ít, phần lớn dành để bán cho khách tham quan du lịch nội địa. Điều này đặt ra vấn đề, Việt Nam cần nhanh chóng làm CDĐL cho hồ tiêu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá trên thực tế, những CDĐL của EU trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như rượu vang Bordeaux (Pháp), pho mát Mozzarella (Italia) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những CDĐL của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước.
Để nông sản Việt có CDĐL đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, việc tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội sẽ hỗ trợ đắc lực cho các CDĐL này có thể tới được với người tiêu dùng EU nói riêng cũng như thế giới nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hay từ kinh nghiệm của Campuchia cũng cho thấy, họ chỉ có 2 sản phẩm có CDĐL là tiêu và thốt nốt, nhưng đã khai thác rất tốt giá trị lợi thế này bằng cách chú trọng vào chất lượng, tập trung vào một sản lượng nhỏ để XK. Giá tiêu của Campuchia lên đến 425 USD/kg. Thậm chí, nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới còn sử dụng tiêu Campuchia vào món kem nhờ những hương vị đặc trưng. Do đó, để khai thác tốt khía cạnh thương mại của CDĐL thì việc tiến hành xây dựng CDĐL cho những sản phẩm đặc sản đã được chế biến sẽ giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường quốc tế.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá CDĐL, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông, nhằm tăng cường nhận biết đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, sự kiện ngoại giao ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) EVFTA là hiệp định hiếm hoi hạ thuế hàng chế biến về 0%. Trong khi hầu hết các thị trường lớn muốn nhập khẩu hàng thô, chế biến tại quốc gia mình và xuất ngược trở lại. Song việc cần làm là DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tận dụng bảo hộ CDĐL, ví dụ cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc... để nâng cao giá trị XK nông sản. Ông Vũ Xuân Trường Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Việc xây dựng CDĐL cho nông sản ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, chưa trở thành một đòi hỏi mang tính bắt buộc. Vì vậy các sản phẩm nông sản dù đi đến được nhiều quốc gia trên thế giới nhưng thế giới vẫn không biết đến thương hiệu của nông sản Việt Nam. Tới đây việc bảo hộ CDĐL không chỉ cần được đăng ký trong nước mà quan trọng hơn là còn phải đăng ký tại các thị trường nước ngoài để tránh tình trạng CDĐL đó có thể bị doanh nghiệp nước khác đăng ký và độc quyền sử dụng, khai thác. Ông Lưu Đức Thanh Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế Hoạt động thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký CDĐL đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là thẩm định các nội dung: chất lượng đặc thù, khu vực địa lý, lịch sử - danh tiếng, quy trình kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, mối liên hệ giữa chất lượng đặc thù và khu vực địa lý.... Đây là những lĩnh vực chuyên môn sâu, nằm ngoài khả năng chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có các quy định cụ thể để các ngành có chuyên môn phù hợp tham gia hợp lý vào quá trình thẩm định CDĐL. |
Lê Thúy