Một ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng của Việt Nam được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra là sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6/2023.
Thể hiện yếu kém về cơ sở hạ tầng
Phó Tổng Thư ký VCCI dẫn lại một đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (2020) về chất lượng hạ tầng của các quốc gia cũng cho thấy sự kém cạnh tranh của Việt Nam so với những quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng thứ 77 trên 144 quốc gia về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện.
“Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan”, ông Tuấn nói.
Nếu thiếu điện sẽ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. |
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, sự cố thiếu điện nghiêm trọng tại miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6 năm nay gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tại nhiều địa phương ở miền Bắc, việc cắt điện luân phiên buộc phải thực hiện, thậm chí cắt điện ở các khu công nghiệp. Mất điện khiến máy móc, dây chuyền sản xuất không thể sử dụng, làm giảm năng lực sản xuất của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn hàng theo đúng tiến độ”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia này phân tích, mất điện cũng khiến các chi phí sản xuất khác của doanh nghiệp gia tăng đột xuất như việc sắp xếp lại ca làm việc, điều chỉnh nhân sự trong những thời điểm không có điện. Điều đó đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố đầu tháng 7 năm nay cũng cho thấy, khoảng 60% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh. Thiếu hụt điện làm năng suất hoạt động và năng suất lao động giảm, sản xuất và dịch vụ bị gián đoạn.
Có thể nói, đảm bảo các giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: "Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vấn đề thiếu điện, Chính phủ nên tập trung vào việc phát triển các kế hoạch dài hạn vì việc này có khả năng xảy ra theo chu kỳ. Bằng cách hành động nhanh chóng và toàn diện, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đảm bảo một nền kinh tế vững mạnh và có khả năng vượt qua trở ngại trong tương lai".
Những ngày gần đây, có nhiều ý kiến nói tới các cơ hội về việc đón dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư Hoa Kỳ cần một môi trường chính sách đủ thuận lợi để quyết định đầu tư. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng, để đầu tư sản xuất chip, nhà máy phải tiếp cận được sân bay, đường sá thông suốt và đặc biệt nguồn điện ổn định…
Nguy cơ thiếu điện lặp lại trong năm 2024?
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thu hút các “đại bàng” ngoại đến đầu tư, nhưng điều ông vẫn lo lắng là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết đó là thủ tục hành chính còn bất cập; tình trạng thiếu điện tại một số địa phương phía Bắc…
Thực tế, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đảm bảo cung ứng điện ổn định từ nay tới cuối năm 2023, nhưng sang năm 2024, cơ quan này cũng đặt ra lo ngại, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16 giờ, 19 - 22 giờ) trong ngày của các ngày nắng nóng.
Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.170 MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7/2024.
Để đảm bảo cung ứng điện trong năm sau, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan cần phải thực hiện nhiều giải pháp về vận hành, đầu tư xây dựng, tiết kiệm điện… với yêu cầu năm sau sẽ không thiếu điện.
Theo ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, từ 6,5 -7% hàng năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện dự báo tăng trung bình giai đoạn 2021 - 2025 là 9,1%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 8,6%/năm.
Nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao trong khi trữ lượng và khả năng khai thác các nguồn năng lượng nội địa như than, dầu, khí đốt ngày càng hạn chế dẫn tới việc Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than, khí đốt và các sản phẩm dầu, điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia.
Vì vậy, giải pháp được ông Phúc đưa ra là việc chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, dựa trên nhiều lợi thế về địa lý và thiên nhiên, sẽ giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.
Với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 -2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050 dẫn đến hệ thống điện quốc gia phải bổ sung các dạng nguồn điện để đạt công suất cực đại năm 2025 khoảng 59.318 MW, năm 2030 khoảng 90.512 MW, năm 2050 khoảng 185.187 - 208.555 MW.
Việt Nam có tiềm năng được đánh giá là khá tốt cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi hơn 600 GW, điện gió trên bờ hơn 210 GW, điện mặt trời 200 - 300 GW), triển vọng trong tương lai cho phát triển nguồn điện này là rất lớn.
Tuy vậy, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này, từ đó đáp ứng đủ điện, ông Phúc cho rằng Việt Nam cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật Năng lượng tái tạo, góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các luật liên quan, đồng thời thúc đẩy việc khai thác năng lượng tái tạo một cách hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam, cần hoàn thiện các quy định pháp luật để thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải...
Cùng với đó, Việt Nam cần khảo sát, đánh giá chính xác tiềm năng tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Trước mắt, ưu tiên cho những nguồn có tiềm năng lớn, tính khả thi cao như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, từ đó vạch ra chiến lược và sách lược khai thác có hiệu quả các dạng năng lượng này, kể cả nối lưới và không nối lưới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên chính sách thứ nhất là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và giúp có giá cả phải chăng.
Nhật Linh