Hơn 3,27 triệu tấn phân bón ngoại trị giá hơn 885 triệu USD đã được nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay (tăng 21,9% về khối lượng và 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái) khiến cho các doanh nghiệp (DN) phân bón nội luôn trong tâm trạng lo sốt vó vì chịu không nổi áp lực cạnh tranh.
Đáng lo nhất là phân bón từ Trung Quốc (chiếm hơn 35% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này) với nhiều loại có giá rẻ hơn phân bón nội 10 – 15%, trong khi các công cụ về thuế để bảo vệ cho các DN sản xuất dường như còn phải “ngóng cổ” để chờ.
Bất lợi cho phân bón nội
Để thay đổi cục diện, giới DN phân bón nội vẫn luôn kỳ vọng từ thay đổi chính sách thuế. Bởi vì, từ năm 2015, Bộ Tài chính đã phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang danh mục không chịu thuế VAT (Luật Thuế số 71/2014/QH13 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế).
Quy định này khiến các DN phân bón trong nước không còn được khấu trừ thuế đầu vào, tác động xấu đến lợi nhuận. Do phải giảm sản lượng và không được khấu trừ, hoàn thuế, ước tính mỗi năm, mỗi DN nội trong ngành thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Riêng Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong năm 2015 đã thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng vì giá vốn tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng bị ảnh hưởng trên 100 tỷ đồng khi các nguyên liệu đầu vào như than, quặng, điện… không được khấu trừ thuế.
Ngoài ra, các DN chủ yếu sản xuất NPK như công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam cũng bị tác động khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.
Đầu năm nay, Bộ Công Thương có đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT ở mức 0% (thay vì miễn thuế như hiện tại). Trong trường hợp chính sách này được thông qua, ước tính các DN sản xuất có thể tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm. Từ đó, tạo sức cạnh tranh tương đối đáng kể về giá với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, để có thể ban hành luật sửa đổi, hoặc ban hành luật mới, vẫn còn mất khá nhiều thời gian.
![]() |
Luật Thuế số 71/2014 đã gây bất lợi cho các DN sản xuất phân bón trong nước
Vừa qua, để đáp lại mong mỏi của các DN sản xuất phân bón, trong đề xuất của Bộ Tài chính tại dự án luật sửa 5 luật thuế đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có đưa ra phương án đưa phân bón là một trong những mặt hàng từ không chịu thuế vào diện chịu thuế VAT 5%, để được khấu trừ thuế đầu vào.
Mới đây, nhân buổi tham vấn giới DN tại Tp.HCM về dự án luật sửa 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đại diện của PVFCCo cũng bày tỏ thống nhất với việc đưa phân bón trở thành đối tượng chịu thuế VAT để tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh phân bón và nông dân.
Chịu thuế VAT 0%?
Lý do PVFCCo đưa ra là khi phân bón trở thành đối tượng không chịu thuế VAT đã dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, khiến cho khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng.
Thực tế cho thấy chính sự bất cập trong chính sách này khiến giá phân bón nội lúc nào cũng cao hơn phân bón ngoại nhập, nhất là từ Trung Quốc. Giới chuyên gia đánh giá, Luật Thuế số 71 đã phần nào ảnh hưởng rất tiêu cực đến hiệu quả đầu tư của các dự án phân bón đã và đang thực hiện của các DN trong nước (điển hình là các dự án mở rộng nhưng thua lỗ của các nhà máy Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc).
Các dự án sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, do không được hoàn thuế VAT cho nhà xưởng, thiết bị mà cụ thể là toàn bộ thuế VAT đầu vào của máy móc thiết bị, xây lắp… không được khấu trừ, sẽ phải ghi nhận tăng tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, khi các dự án đi vào sản xuất, chi phí hằng năm bình quân cho nguyên vật liệu, vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm… cũng tăng thêm đáng kể. Từ nguyên do này, DN phân bón cũng phải chịu sức ép tăng giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng là nông dân.
Cần nhắc thêm, ở phiên họp Ban chỉ đạo của Chính phủ với ngành công thương vào trung tuần tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật thuế số 71 để tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất phân bón trong nước.
Tuy nhiên, trong đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, ý kiến từ một số DN phân bón cho biết vẫn chưa thấy thuyết phục với hai phương án được đưa ra là áp dụng thuế suất VAT cho phân bón mức 5%, hoặc 10%.
Phía PVFCCo đề nghị xem xét chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất thuế VAT là 0%.
Nhiều DN phân bón cho rằng việc áp thuế VAT 5% (phương án 1) hay 10% (phương án 2) đem lại một khoản thu nhất định cho ngân sách nhà nước, nhưng ở khía cạnh khác, việc này có thể gây ảnh hưởng không tích cực đến lợi ích của một số đối tượng và có tác động rất tiêu cực đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón trong nước.
Điều đáng nói, với cả hai phương án trên, người nông dân nếu sử dụng phân bón trong nước vẫn phải chịu chi phí cao do mức thuế suất này. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu đang có thuế suất rất thấp, một số loại bằng 0%, có lợi cho các phân bón ngoại khi xuất khẩu sang Việt Nam.
Thế Vinh