Khi xảy ra một loạt vụ phản đối của người dân, tài xế, DN đối với các trạm thu phí BOT mọc tua tủa trên các tuyến quốc lộ với nhiều bất hợp lý như đặt sai vị trí, giá phí quá cao, dư luận đặt câu hỏi là các dự án BOT giao thông có liên quan tới những trạm thu phí này đã được đấu thầu minh bạch?
Thông thầu, bệnh dịch!
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy phần nào câu chuyện. Thực tế là từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư được lựa chọn mà chưa đảm bảo năng lực. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Nhìn vào bản kết luận này, những DN có năng lực thực sự muốn tham gia vào các dự án BOT, BT sẽ nghĩ gì khi không được cạnh tranh bình đẳng thông qua đấu thầu công khai. Vì sao 100% dự án không được công khai đấu thầu, mà lại dùng cách chỉ định? Liệu những DN được chỉ định thầu tại các dự án BOT giao thông mà người dân, DN đang phản đối có phải là những DN thuộc khối tư nhân đã cạnh tranh lành mạnh?
Ở lĩnh vực dược phẩm, khi diễn ra vụ án công ty Cổ phần VN Pharma – vốn dĩ một DN nhỏ, sinh sau đẻ muộn trong ngành cung ứng dược phẩm ở Việt Nam nhưng liên tục trúng nhiều gói thầu lớn về cung ứng thuốc tại các bệnh viện công.
Dư luận từng đặt câu hỏi là DN này có thông đồng trong đấu thầu và việc trúng thầu của VN Pharma có phải đến từ sự cạnh tranh công bằng hay nhờ vào mối quan hệ, “sân sau”, nhờ tiền chi “hoa hồng” khủng…
Thực tế cho thấy, chuyện chỉ định thầu thiếu minh bạch hoặc nạn “thông thầu” trong các dự án nhà nước, trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ có sử dụng ngân sách thời gian qua được xem như là “bệnh dịch”.
Ngay như tại Đà Nẵng, nơi đang có những đồn đoán về lợi ích nhóm, vào tháng Tám vừa qua, lãnh đạo thành phố này khi chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA cũng phải lưu ý nếu phát hiện các hành vi tiêu cực như “thông thầu”, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp sẽ phải kiên quyết xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, để xử lý được nạn “thông thầu” không phải là chuyện đơn giản khi luật vẫn còn kẽ hở, kể cả trong câu từ. Mới đây, khi góp ý về dự án sửa đổi Luật Cạnh tranh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), đã lưu ý về việc này.
Ông Châu cho rằng quy định “Thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu” tại Khoản 4 Điều 11 dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có sự khác biệt về thuật ngữ với quy định về “thông thầu” tại Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu.
![]() |
Qua thanh tra các dự án BOT giao thông cho thấy 100% là chỉ định thầu
Bịt chặt những kẽ hở
Phía HoREA đề nghị nên sử dụng khái niệm “thông thầu” với nội hàm như đã quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thực tế, theo giới chuyên gia, một trong những kẽ hở cho nạn “thông thầu” hiện nay là Luật Đấu thầu và Luật Cạnh tranh có sự quy định khác nhau về quy trình, thủ tục cũng như về hình thức, mức độ và cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm, mặc dù hai luật này đều nhằm bảo vệ cạnh tranh một cách lành mạnh giữa các bên dự thầu trong đấu thầu, nhất là xung đột về thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm giữa hệ thống các cơ quan cạnh tranh và các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu
Được biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Cạnh tranh, hành vi thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị cấm một cách tuyệt đối.
Đó là do hành vi này có bản chất hạn chế cạnh tranh rõ nét, có khả năng làm vô hiệu cơ chế cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu. Còn tại Điểm b, Khoản 3, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định thông thầu là thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu.
Ông Châu cũng kiến nghị thêm, đối với thị trường bất động sản, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả thông qua các hình thức BT, BOT, Hợp tác công – tư (PPP) phải thông qua hình thức đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi.
Các trường hợp chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Điều này là để khắc phục tình trạng chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư một cách tràn lan, đặc biệt với các công trình – dự án bất động sản ở những vị trí đắc địa.
Trên thực tế, chính việc chỉ định thầu sẽ tác động xấu đến môi trường kinh doanh, sự minh bạch, tính cạnh tranh mà các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều rất mong đợi môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Có thể thấy, những tiêu cực phát sinh từ “thông thầu”, “chỉ định thầu” đều có thể liên quan đến hành vi tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh giữa DN làm ăn chân chính với các công ty “sân sau”.
Trong khi đó, đối với Luật Đấu thầu, theo giới chuyên gia, mặc dù luật này có yêu cầu chung về tính liêm chính trong suốt quá trình đấu thầu song vẫn không quy định rõ việc cấm giúp đỡ bạn bè và những người có liên quan đến cán bộ công chức tham gia trong quá trình đấu thầu. Ngoài ra, quy định của Luật Đấu thầu cũng không làm rõ mối quan hệ của cán bộ công chức với các nhà thầu phụ của nhà thầu.
Thế Vinh