Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã và đang được xây dựng, theo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tư (tháng 10/2017) và trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2018).
Được đánh giá là một trong những đạo luật quan trọng trong khuôn khổ pháp luật về DN, có tác động mạnh mẽ tới môi trường kinh doanh cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, Luật Cạnh tranh ra đời từ năm 2005 nhưng thực tế vẫn xuất hiện ngày càng nhiều những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khiến môi trường kinh doanh bị méo mó.
Thị trường chưa cạnh tranh
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong 12 năm thực thi những quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến năm 2015, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 300 trường hợp khiếu nại, tiến hành điều tra và giải quyết 150 trong 158 trường hợp.
Với kết quả này, các chuyên gia đánh giá, sau 12 năm thực thi Luật, số trường hợp vi phạm cạnh tranh không lành mạnh được giải quyết còn quá ít. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng những chính sách về thể chế, thủ tục, các trường hợp không đưa đơn khiếu nại tới cơ quan chịu trách nhiệm “cầm cân nảy mực” bởi không thấy có niềm tin. Điều này khiến cho hầu hết người tiêu dùng và DN tự thỏa thuận với nhau theo hình thức “đi đêm”.
Đơn cử như trường hợp giá cước vận tải và xăng dầu, từ ngày 4/7/2015 đến ngày 4/9/2015, giá xăng dầu liên tục giảm 16% – 17%, tương ứng giá vận tải phải giảm 4% – 8%. Song thực tế, giá cước vận chuyển đứng yên.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thời điểm đó, báo chí chỉ nói về việc thanh – kiểm tra giá của các hãng taxi mà không ai nghĩ đến vấn đề “độc quyền giữ giá” của các DN vận tải.
Dẫn tới, những biện pháp điều chỉnh sau đó bị hành chính hóa khi các cơ quan nhà nước (Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính) vào cuộc yêu cầu tính lại giá trong khi những cơ quan quản lý về cạnh tranh không có hành động liên quan nào.
Đánh giá về điều này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng việc thực thi Luật Cạnh tranh trong 12 năm qua ít nhiều đã giúp kiểm soát vị trí độc quyền, lạm dụng thống lĩnh thị trường song vẫn còn tồn tại một số điểm.
Cụ thể, ông Huỳnh cho rằng có nhiều yếu tố pháp luật cạnh tranh tương đối tốt, nhưng khi vận hành lại có vấn đề. Dẫn tới, có sự lạm dụng của cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức trong việc can thiệp vào thị trường, vi phạm pháp luật cạnh tranh, hoặc không có ý thức về việc này, có lợi ích nhóm trong chuyện này mà pháp luật cạnh tranh chưa có chế tài xử lý nghiêm túc.
Ông Huỳnh ví dụ, như mua sản phẩm của công ty này mà không mua sản phẩm công ty khác, lợi dụng danh nghĩa hiệp hội để dìm sản phẩm này nhằm đề cao sản phẩm khác, sáp nhập hợp nhất một số DN, đặc biệt trong thời kỳ thành lập DN nhà nước thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý cạnh tranh.
Điều này làm phương hại tới hoạt động các thành phần kinh tế khác, phương hại tới Hiến pháp năm 1992 và năm 2013. Đây chính là điểm yếu trong pháp luật cạnh tranh.
Mô hình về tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh không phù hợp, hiện tại không có quyền lực. Trên thực tế, có thể mạnh trong điều tra các vụ việc như nói xấu, lôi kéo nhân viên đối tác, bôi nhọ hình ảnh DN nhưng những vấn đề hạn chế thống lĩnh thị trường, kiểm soát hoạt động của DN gần như độc quyền không làm được, làm phương hại đến hoạt động gia nhập thị trường của DN khác và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định, đã hơn 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh nhưng thẳng thắn mà nói chưa có nhiều hiệu quả. Ông Thành dẫn chứng, hành vi xâm phạm cạnh tranh rất nhiều, từ những vụ việc nhỏ như các hang xe khách tung chiêu xấu tranh giành khách cho tới những vụ việc lớn như các DN khổng lồ, trong ngành chỉ có một, hai DN nắm thế độc quyền, chưa đụng tới tình trạng đó một cách hữu hiệu.
![]() |
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) kỳ vọng sẽ kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh
Sửa đổi dựa trên hiệu quả
Trước thực trạng trên, ông Huỳnh cho rằng việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cần tiến hành theo ba hướng. Thứ nhất, những vấn đề kỹ thuật của pháp luật cạnh tranh, thị trường ngày càng phát triển, cách thức tính toán trong trường hợp mua bán sáp nhập cần thay đổi.
Thứ hai, kiểm soát hành vi của cơ quan, cán bộ công chức trong quá trình tôn trọng pháp luật cạnh tranh, bảo vệ pháp luật cạnh tranh. Ông Huỳnh khẳng định, chỉ thực thi tốt mới có DN tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cũng như lợi ích người tiêu dùng mới được đảm bảo.
Thứ ba, cơ quan quản lý cạnh tranh cần thành lập ủy ban có vị trí độc lập hơn, hệ thống tổ chức khác đi, không thể đặt trong một bộ mà bộ đó vừa làm chức năng đại diện phần vốn của nhiều DN nhà nước, vừa kiểm soát hoạt động cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như vậy không phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra, về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, ông Huỳnh cho rằng khi Hiến pháp còn duy trì nhiều thành phần kinh tế, dù tuyên ngôn mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng nhưng có quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo.
“Vậy hiểu tinh thần đó như thế nào để không làm phương hại tới lợi ích, linh hồn thị trường là pháp luật về cạnh tranh? Ở các nước khác đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức độc lập, vô tư, khách quan một lần, Việt Nam đòi hỏi cán bộ phải độc lập, vô tư, khách quan gấp nhiều lần”, ông Huỳnh nhận xét.
So sánh Dự thảo sửa đổi đầu tiên, ông Thành nhận xét, đã có sự phát triển nhiều về nội dung và tinh thần trong luật. “Như tôi đã nói, nội dung tiến bộ nhưng cơ sở thực sự nhằm luật thực thi, đưa luật vào cuộc sống, duy trì sự cạnh tranh để nền kinh tế phát triển còn thiếu”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, trong đề cập lần đầu tiên, cơ quan thực thi là quan trọng, thiết kế thể chế luật như thế nào cho thực sự thi hành luật của mình, tách ra có một cơ quan thực thi nằm ngoài các bộ là tiến bộ để tăng sự thực thi.
“Thực trạng hiện nay ở các bộ, đặc biệt Bộ Công Thương vẫn còn nắm giữ nhiều DN, Cục Quản lý Cạnh tranh nằm trong bộ đó khó xử lý, ít nhất là DN thuộc bộ này, chưa kể ở các bộ khác”, ông Thành dẫn chứng.
Lê Thúy
Ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc Pháp lý và Chính sách VPĐD công ty BowerGroupAsia Việt Nam có pháp luật cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh. Chính sách cạnh tranh cần có các điều kiện gia nhập thị trường, các trường hợp Nhà nước hỗ trợ và can thiệp vào thị trường, chính sách cạnh tranh ngành, chính sách đối với DN nước ngoài… Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trong dự thảo lần này, điều mới nhất nằm ở hai khía cạnh, nội dung được làm tinh hơn nhiều khi rút kinh nghiệm từ áp dụng luật cạnh tranh cũ. Xây dựng thể chế thực thi luật này, tạo ra cơ quan thực thi giám sát luật cạnh tranh mới. Trong dự thảo lần này, mô hình và địa vị cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh quốc gia – cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Chỉ tồn tại một cơ quan cạnh tranh duy nhất để thực hiện cả chức năng điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh. Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Chúng ta phải đặt luật này trong toàn bộ chính sách bảo vệ và phát triển cạnh tranh của Việt Nam. Điều được rất nhiều Nghị quyết và Hiến pháp đặt ra không chỉ đơn thuần là đạo luật mà là chính sách của quốc gia. Trong thời kỳ hội nhập, quốc gia có khả năng cạnh tranh mới tồn tại và phát triển, nên đó là vấn đề quốc gia, toàn bộ hệ thống chính trị và pháp luật. Tinh thần của nó phải thấm đẫm trong đạo luật khác có liên quan tới pháp luật cạnh tranh. |