Không nói quá khi cho rằng năm qua là một năm đại thắng lợi cho các doanh nghiệp startup tại Việt Nam. Flappy Bird đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, với gần ba triệu lượt tải mỗi ngày trong thời gian đó; và mang lại cho Nguyễn Hà Đông, người thiết kế trò chơi này, một con số khổng lồ lên tới 50.000 USD mỗi ngày. Mặc dù những chú chim đã ngừng bay, Flappy Bird vẫn là một màn trình diễn hoàn hảo cho thế giới thấy được tiềm năng, sức sáng tạo của giới công nghệ Việt Nam và góp phần tạo nên hàng loạt những thương vụ đầu tư startup sau này.
Sôi động thị trường trong nước
Theo Dealstreetasia, số lượng giao dịch đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đã gia tăng từ 25 giao dịch trong 2013 lên 28 giao dịch năm 2014. Bảy trong số những giao dịch được công bố thuộc về các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và 6 thương vụ là của các nhà đầu tư đến từ Mỹ. Mặc dù vậy, giá trị của các thương vụ mua bán sáp nhập này hầu như không được tiết lộ.
Báo cáo của Dealstreetasia cũng cho thấy 2014 là một năm sôi động của thị trường mua bán và sáp nhập các công ty công nghệ Startup. Trong đó, có khá nhiều thương vụ đình đám như thương vụ mua lại hệ thống thẻ FPT Gate của Công ty cổ phần Giải trí Di động hay thương vụ mua lại haivl.com hay 123mua.com.
Bên cạnh đó, trong năm qua, một loạt các doanh nghiệp học viên của TOPICA Founder Institure cũng đã gọi vốn thành công, trong đó có các dự án như Beeketing (Công cụ automate marketing cho người bán hàng online), vLance (Sàn giao dịch giữa các Freelancers) hay Morbling (Phát triển các game 3D đa nền tảng dành riêng cho di động)….
![]() |
Bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở VIệt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á cùng với Thái Lan và Indonesia.
Hàng loạt các dự án startup quốc tế lấn sân vào thị trường Việt Nam. Các sản phẩm của Grabtaxi, Line, Rocket Internet, Uber hay Viber không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành của GrabTaxi tại Việt Nam, chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày chính thức gia nhập thị trường, GrabTaxi đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại cả hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự tham gia của hàng ngàn lái xe. Theo một báo cáo của Younet Media, GrabTaxi là ứng dụng "đi nhờ" phổ biến nhất tại Việt Nam, tiếp theo là Uber.
Trong khi đó, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Giám đốc Viber Việt Nam, đặt mục tiêu chiếm 6% thị trường dịch vụ ứng dụng nhắn tin trong tương lai gần sắp tới. Mục tiêu này được xem là nằm trong tầm tay bởi các thống kê cho thấy hiện Viber đang là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với thị phần lên tới 52%.
Chiến lược riêng của Startup Việt
Trong khi sân nhà đang bị xâm chiếm bởi các nhà đâu tư ngoại quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam lại hướng mình ra biển lớn thông qua các hoạt động mở rộng đầu tư ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đứng đầu trong các doanh nghiệp Startup Việt vẫn là Vinagame, đơn vị sản xuất trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ và ứng dụng Zalo, đã và đang khẳng định vị thế của mình với doanh thu 75 triệu USD vào năm 2014 và được định giá vào khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm Việt dùng cho người Việt, Vinagame cũng song song mở rộng thị trường ra ngoài biên giới. Cho đến nay, Vinagame đã có khoảng 11,3 triệu khách hàng sử dụng sản phẩm của hãng trên toàn thế giới. Công ty phân phối các ứng dụng di động Appota đã tiến hành đầu tư vào Indonesia trong khi nền quảng cáo CleverAds lại mở rộng hoạt động sang Indonesia và Philippines. Tương tự như vậy, công ty thương mại điện tử PeaceSoft đang đầu tư ở Malaysia, còn Topica mở văn phòng tại Philippines và Thái Lan.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đồng ý rằng Indonesia là môi trường thuận lợi để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Sáng lập viên đồng thời là Giám đốc Điều hành CleverAds Nguyễn Khánh Trình cho rằng môi trường kinh doanh tại Indonesia minh bạch hơn nhiều so với Việt Nam. Cũng theo ông Trình, có khá ít doanh nghiệp Indonesia tham gia thị trường này trong khi tốc độ tăng trưởng tăng cao nên đây là thời điểm rất tốt để đầu tư.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện quỹ đầu tư CyberAgent tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở VIệt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á cùng với Thái Lan và Indonesia.
Với tiềm năng của các doanh nghiệp startup Việt, mới đây Chương trình "Sáng kiến thanh niên lập nghiệp" (YCI - Youth Career Initiative) cũng thông báo về khả năng tài trợ cho các dự án Startup Việt. Đây chỉ là một trong rất nhiều chương trình của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây dành cho các dự án khởi nghiệp Việt Nam.
Hy vọng trong năm tới, với đà tăng trưởng, sức sáng tạo và sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các Startup Việt sẽ có một năm bùng nổ và tỏa sáng hơn nữa.
Start up là thuật ngữ chỉ giai đoạn khởi nghiệp của các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều trải qua giai đoạn startup nhưng ngày nay, thuật ngữ này thường được dùng với nghĩa hẹp hơn rất nhiều "chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn khởi nghiệp". Một doanh nghiệp thường được coi là trong giai đoạn startup nếu hoạt động không quá 10 năm.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại diện quỹ đầu tư CyberAgent tại Việt Nam Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Appota Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica |
Hoàng Hải