Nhìn lại hành trình sau 11 năm kể từ ngày khởi nghiệp, ông Đoàn Tử Tích Phước, Trưởng đại diện Văn phòng phía Bắc Ví điện tử Momo, cho biết khó khăn mà doanh nghiệp (DN) này gặp phải trên con đường khởi sự kinh doanh là rất nhiều. Đến nay, Momo vẫn phải tiếp tục vượt khó để đi lên.
Làm nghĩa vụ thuế cũng… khó
Tại Hội thảo "DN khởi nghiệp sáng tạo: nắm bắt thời cơ phát triển" do Bộ KH&ĐT tổ chức vừa qua, ông Phước tâm sự không riêng Momo, với mỗi DN khởi nghiệp, điều cần phải chú ý nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư là sản phẩm độc đáo, mô hình kinh doanh và khả năng nhân rộng, đội ngũ nhân sự hay hiệu quả quản trị… Đây là điều mà Momo tự tin có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Momo luôn lo ngại nhất là không thể trả lời câu hỏi: chính sách của Nhà nước đang dành cho ngành mà Momo kinh doanh sẽ như thế nào trong tương lai.
Ông Phước cho biết: "Gặp câu hỏi này, DN rất bối rối. Chúng tôi có thể trình bày với nhà đầu tư rằng mình có thế mạnh như thế nào nhưng không thể trả lời chính sách với ngành trong tương lai 5-10 năm tới. Do không nhìn thấy rõ ràng sự chắc chắn từ phía chính sách, nhiều nhà đầu tư đã có cái nhìn tiêu cực, quyết định không rót vốn".
Bên cạnh đó, startup muốn phát triển hiệu quả thì phải thu hút được nhân tài, nhưng do chưa mạnh về tài chính nên không thể cạnh tranh về mức thù lao trả cho lao động so với các DN lớn. Bởi vậy, một trong những cách mà Momo tính đến là trả thù lao cho nhân sự bằng cổ phiếu thưởng, tuy nhiên hiện nay chưa có cơ chế để DN xuất cổ phiếu thưởng một cách dễ dàng.
"Một hay 10 cổ phiếu thưởng phát cho người lao động đều được cơ quan quản lý hiểu rằng người lao động đó là nhà đầu tư mới. DN phải thực hiện vòng đăng ký nhà đầu tư mới cho người lao động đó như nhà đầu tư thông thường", ông Phước cho biết.
Vấn đề càng khó hơn khi DN thu hút lao động cao cấp nước ngoài về làm việc. Khi đó, lao động nước ngoài được coi là nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục xem xét ở sở KH&ĐT cho một nhà đầu tư nước ngoài có trong sổ đăng ký cổ đông của công ty phức tạp hơn rất nhiều.
Tương tự, ông Nghiêm Xuân Huy, Sáng lập Finhay, cũng cho biết để thu hút người tài về Việt Nam là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, đứng trước "rừng" quy định, Finhay phải dành ra hai nhân sự chỉ chuyên lo giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. DN không chỉ mất thêm chi phí mà còn tốn rất nhiều thời gian.
"Đơn cử như việc hạch toán thuế. Do startup làm việc liên đới với các quỹ đầu tư, nên khi đến chi cục thuế, chúng tôi muốn đóng thuế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ muốn đóng thuế, hoàn thành nghĩa vụ cũng khổ vô cùng", ông Huy giãi bày.
Trong khi đó, chia sẻ khó khăn mà DN mình đã gặp phải, ông Khôi Nguyễn, Sáng lập Wefit, cho hay hầu hết mô hình khởi nghiệp đều là mô hình mới nên nhiều khi không biết đăng ký mình thuộc chủ thể quản lý nào trong luật.
Chẳng hạn, Wefit phải hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ như hộ kinh doanh cá thể nên không xuất được hoá đơn, đôi khi phải ký với họ theo kiểu hợp đồng lao động hợp tác chuyên môn, nhưng cuối cùng vẫn không được giảm thuế VAT.
Startup Việt Nam cần nhất là chính sách ổn định, tạo thuận lợi cho DN |
DN mong sớm gỡ rào cản
"Nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thấy khó hiểu, nên nhiều startup Việt Nam buộc phải thành lập công ty ở nước ngoài để dễ thu hút vốn của họ, sau đó mới quay lại đầu tư ở Việt Nam. Như vậy, nếu hành lang pháp lý trong nước đơn giản, không cần ưu đãi mà chỉ cần giảm thời gian thôi đã là giúp DN rất nhiều", ông Nguyễn chia sẻ.
Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thấu hiểu với nỗi khổ mà các startup Việt Nam đang gặp phải. Theo đó, yếu tố tiếp cận vốn không phải vấn đề chính mà mong muốn lớn nhất của DN là giảm bớt thủ tục hành chính về khởi nghiệp sáng tạo, tiếp đó mới là giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, đào tạo quản trị…
"DN cần nhất là cơ chế chính sách để khởi nghiệp thông thoáng. Thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo phải thực chất, còn nếu hành chính, không thực chất thì chẳng làm gì cả. Đặc biệt, thủ tục về hành chính phải thật đơn giản, kể cả thủ tục phá sản DN, chứ như hiện nay, thành lập DN thì dễ mà phá đi lại cực kỳ khó", ông Lực nhấn mạnh.
Ông Tăng Ngọc Trường An, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Ibosses Việt Nam, cho rằng đối với các DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp, việc thu hút vốn đầu tư thông qua các dự án từ vốn nhà nước đồng nghĩa với việc Nhà nước cần hỗ trợ đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho DN.
Cùng với đó, bà Mai Lan Phương, Tổng Giám đốc công ty TNHH Kiểm toán BDO Việt Nam, qua làm việc với nhiều DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa, nhận thấy DN rất cần một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Bà Phương cũng nêu thực tế Việt Nam hiện rất thiếu trung tâm đào tạo các kỹ năng cho DN mới khởi nghiệp như kỹ năng tầm nhìn chiến lược, quản trị, marketing. Startup Việt Nam chịu khó học, muốn học nhưng để tìm được trung tâm uy tín lại rất khó, chưa kể chi phí đắt đỏ.
Trước thực tế trên, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho rằng hiện nay việc đóng thuế của các chủ thể kinh doanh cần được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo minh bạch, công bằng giữa các thành phần, tuy nhiên trong quản lý vẫn còn nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, liên quan tới cơ chế hỗ trợ DN, Bộ KH&ĐT đã có các lớp đào tạo cho DN, với DN mới thành lập trong hai năm sẽ được miễn phí đào tạo, hay chính sách hỗ trợ 70% chi phí đào tạo, tuy nhiên có lẽ những chính sách này chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.
Theo bà Thủy, trong thời gian tới, việc xây dựng và triển khai các Đề án về Cách mạng công nghiệp 4.0, thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cùng với triển khai nhiều giải pháp quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt giúp Việt Nam có bước phát triển đột phá, phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước và trở thành quốc gia công nghiệp hóa.
Lê Thúy
Ông Long Đặng - Giám đốc đầu tư IDG Ventures Việt Nam Dòng tiền từ quỹ đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giống "nước chảy chỗ trũng", thị trường của chúng ta là một "miếng bánh" tốt và đang rất cần vốn nên không có lý do gì cản dòng nước này chảy vào Việt Nam. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ không có những cơ chế ngăn cản khiến dòng nước này chảy chậm lại. Ts. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Điểm yếu của DN khởi nghiệp hiện nay là khâu quản trị điều hành kém, trong đó tầm nhìn chiến lược rất yếu. Chúng ta đang sống trong thế giới biến động kinh khủng, DN phải dùng tầm nhìn để chiến đấu lại điều này. Nhà nước phải giúp DN chuyện đó, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ DN. Ông Đoàn Tử Tích Phước, - Trưởng đại diện Văn phòng phía Bắc Ví điện tử Momo Một khi chính sách vẫn thay đổi xoành xoạch theo kiểu nghị định ba năm đã phải sửa, luật 5 năm sửa một lần…, xây dựng chính sách theo lối mòn truyền thống này khiến nhà đầu tư quan ngại rót vốn, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn để xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn. Do vậy, để tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, sự ổn định, tính tiên liệu chính sách phải là ưu tiên mà các nhà quản lý đặt ra cho mô hình khởi nghiệp ở Việt Nam. |