Dự kiến, trong tuần này, một phái đoàn 50 doanh nghiệp (DN) hàng đầu Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam. Phái đoàn gồm các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm… Đây là phái đoàn DN lớn của Hoa Kỳ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Công nghiệp hỗ trợ sẽ lớn lên
Còn nhớ năm ngoái, vào cuối tháng 3, Việt Nam đã đón rất nhiều ông lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Visa và Citibank; các công ty internet và điện toán đám mây Meta, Amazon… Nhiều DN như SpaceX, Coca – Cola, Pacifico Energy… sau đó đã đưa ra cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và tăng đầu tư vào Việt Nam.
Việc nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Trong những tháng đầu năm 2024, thu hút FDI tiếp đà tích cực. Thống kê 2 tháng đầu năm nay của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Những tín hiệu trên được kỳ vọng sẽ “đốc thúc” ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần nhanh “lớn”, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, đã có các DN công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội nhận được chứng chỉ từ hệ thống quản lý chất lượng IATF (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo ông Hoàng, đây là tin rất vui, báo hiệu bước chuyển mới của ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu như trước đây, các DN trong ngành phải nhờ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm DN hội viên ngành hàng không thuộc Hiệp hội Kobe Aero Network (KAN - Nhật Bản) ủy thác chứng chỉ để sản xuất và cung ứng vào chuỗi toàn cầu, thì việc một số DN trong ngành được cấp chứng chỉ này là tín hiệu cực kỳ quan trọng, đồng thời tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn DN ngành công nghiệp hỗ trợ nhận được tín hiệu này.
Thêm vào đó, từ nay đến tháng 9/2024 sẽ liên tục khởi công nhà máy tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau khi đi vào hoạt động, các sản phẩm được sản xuất tại đây sẽ lên tới hàng triệu USD mỗi năm, đều là những sản phẩm công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao cũng như nhiều cơ hội xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng chia sẻ, các DN ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, từ quy mô nhỏ đến thị trường. Thêm vào đó, các DN công nghiệp hỗ trợ cần thời gian đủ dài để chứng minh hiệu quả sản xuất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đối tác Việt Nam thường yêu cầu có thời gian sản xuất ổn định từ 24-36 tháng thì mới đặt hàng, nên các DN công nghiệp hỗ trợ cần nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi. “Và chỉ có các DN biết rõ mình cần làm gì, hợp tác với đối tác nào để tham gia chuỗi sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường ngay tại trong nước và toàn cầu”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Thu hút FDI phải gắn với phát triển DN trong nước
Hay với ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đã và đang được nhắc tới nhiều trong thời gian qua, nhưng nhiều người cũng lo ngại khi khối nội có đủ sức chen chân vào chuỗi cung ứng hay vẫn giống ngành điện tử. Thực tế, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài. Phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước.
Trong khi đó, các DN đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chứ chưa có dấu hiệu đầu tư vào công nghệ nguồn, cụ thể là công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn.
“Không làm chủ được công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn, Việt Nam không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, và càng không thể tạo ra các sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau và đặc biệt là cho an ninh quốc phòng”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đánh giá.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhìn nhận FDI là động lực tăng trưởng quan trọng, là bộ phận cấu thành hữu cơ nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, quá trình thu hút FDI cũng cần gắn với phát triển DN trong nước. Hy vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp của khối nội chiếm 60 – 65%, đồng thời tiến tới cân bằng kim ngạch xuất khẩu giữa hai khối. Đây chính là thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Muốn như vậy thì Việt Nam phải bồi dưỡng nguồn lực trong nước, chú trọng chính sách hỗ trợ DN trong nước phát triển. Có chính sách riêng với tập đoàn lớn nhưng đồng thời có chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo với DN vừa và nhỏ", GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý.
Đồng thời, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn DN trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh các Bộ, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ DN kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; Đa dạng hóa đối tác; Giảm chi phí đầu vào cho DN; Nâng cao năng lực cho các DN trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó thúc đẩy kết nối với DN FDI, DN lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa.
Cùng với đó, các DN cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mạnh dạn đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại DN; tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó góp phần đạt được mục tiêu nêu ra tại Nghị quyết 41-NQ/TW, Bộ KH&ĐT cho rằng không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các DN cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa DN và viện nghiên cứu, đại học; kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và thực hiện cơ chế thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Ông Onaga Masaru Chủ tịch Công ty CP Onaga (Nhật Bản) Các DN Nhật Bản không chỉ đầu tư, hợp tác mà còn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, giúp đỡ DN Việt Nam cùng phát triển, nhất là lĩnh vực công nghệ cao hàng không, vũ trụ… để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ nên tương lai có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, nhất là hợp tác sản xuất chuỗi linh kiện toàn cầu. Ông Nguyễn Bích Lâm Chuyên gia Kinh tế Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều kiện đầu tiên và quan trọng là DN Việt phải nâng cao năng lực nền tảng, trong đó gồm đội ngũ quản trị và lao động chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề tốt. DN cần làm chủ công nghệ, có năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại thông minh có 165 thiết bị bán dẫn nên DN phải lựa chọn tham gia sản xuất bao nhiêu thiết bị trong số trên. |
Nhật Linh