Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 ở một doanh nghiệp (DN) tầm trung trong ngành gỗ là CTCP chế biến gỗ Thuận An (ở tỉnh Bình Dương) cho thấy chi phí nguyên vật liệu nửa đầu năm nay là hơn 218,5 tỷ đồng, tăng hơn 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lo khoản nợ “phình to”
Hơn thế nữa, nợ phải trả của công ty tính đến hết tháng 6 là hơn 405,7 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Khoản nợ này cũng lớn hơn khoảng 240 tỷ đồng so với vốn sở hữu.
Đáng chú ý, theo phản ánh từ đại diện của Gỗ Thuận An, thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Australia đã liên tục giảm mua hàng trong 3 tháng trở lại đây. Các lao động trong công ty cũng phải nghỉ luân phiên vì đơn hàng xuất khẩu (XK) giảm mạnh.
Các DN ngành gỗ đứng trước nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí người lao động, nguyên liệu đầu vào…, trong khi xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Mỹ đang có vấn đề. |
Còn ở một DN hàng đầu trong hoạt động XK gỗ như CTCP gỗ An Cường, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022 (đã soát xét) vừa công bố cho thấy giá trị hàng tồn kho tính đến hết tháng 6/2022 đã hơn 1.527 tỷ đồng, tăng hơn 140 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay. Bên cạnh đó, nợ phải trả là hơn 1.421 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với hồi cuối năm ngoái.
Thời gian qua, DN này chọn thị trường Mỹ làm tâm điểm cho hoạt động XK đồ gỗ. Thế nhưng, tháng 6/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng quyết định này của DOC sẽ liên đới đến các DN XK đồ gỗ sang Mỹ như An Cường.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty gỗ An Cường từng chia sẻ là không quan ngại vấn đề này khi mà tỷ lệ nguyên liệu và quy trình sản xuất sản phẩm chủ yếu mang xuất xứ Việt Nam. Mặc dù vậy, phía công ty vẫn tiếp tục bám sát các diễn biến cụ thể của vụ việc điều tra.
Trong khi đó, theo thông tin mới được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra, DOC đã gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022, cũng như khuyến cáo các DN thực hiện đầy đủ, tránh bị đưa vào trường hợp không hợp tác theo đánh giá của DOC.
Không những thế, vừa qua, DOC đã có thông báo từ chối bản bình luận của 40 DN tủ bếp, tủ nhà tắm cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry). Nguyên nhân là do các DN nộp bản bình luận muộn hơn thời hạn (deadline). Trong danh sách 40 DN bị từ chối có tên của CTCP chế biến gỗ Thuận An (Thuan An Wood).
Điều đó khiến cho các DN gỗ rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên” vì Mỹ là thị trường rất lớn của họ. Nhiều DN xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ, nếu bị áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như với của Trung Quốc (từ 22,98% đến 194,9%) sẽ vô cùng khó khăn.
Khó khăn càng thêm chồng chất
Bởi lẽ, khi xảy ra trường hợp như trên, DN không chỉ mất thị trường mà vốn đầu tư, nợ ngân hàng cũng không thể giải quyết được. Trường hợp phải tìm thị trường khác, DN phải đầu tư lại ngay từ đầu, càng khó khăn gấp bội.
Thị trường Mỹ được cho là chiếm hơn 60% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Và Việt Nam vốn dĩ là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 36,9% tổng trị giá nhập khẩu vào thị trường này. Tuy vậy, theo đánh giá mới đây thì thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ đang có chiều hướng giảm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2022, XK gỗ sang Mỹ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%.
Nguyên do là vì các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam XK sang thị trường Mỹ chủ yếu là các sản phẩm giá thấp, nhưng lạm phát tăng cao ở Mỹ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp. Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đang tác động tới nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ.
Không chỉ với thị trường Mỹ, như đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, tăng trưởng XK gỗ 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Nên lưu ý thêm, trong cuộc khảo sát nhanh mới đây từ Nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends về thực trạng sản xuất và XK của 52 DN thì có tới 42 DN cho biết là bị suy giảm doanh thu tại thị trường Mỹ, với thị trường EU là 38 DN.
Không những vậy, có tới 71% DN tham gia khảo sát đã dự kiến đơn hàng tới cuối năm 2022 sẽ sụt giảm. Và xét về sức ép hiện tại của các DN trong ngành gỗ là vấn đề vốn vay ngân hàng (chiếm tỷ lệ 58% DN tham gia khảo sát), chi phí người lao động (chiếm 71%), nguyên liệu đầu vào (chiếm 69%).
Trước những khó khăn của các DN ngành gỗ như hiện nay, nhất là trong hoạt động XK vào thị trường Mỹ, giới chuyên gia cho rằng phía DN cần mở rộng thị trường khách hàng khu vực EU và Úc.
Bên cạnh đó, các DN cần sắp xếp sản xuất tinh gọn để giảm chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm để kích cầu. Hơn nữa, các DN cần tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh và ít bị biến động hơn vì diễn biến của xu thế thế giới.
Thế Vinh