Trong nội dung dự thảo đã thể hiện các thông điệp quan trọng của Thủ tướng trước cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ không ngại tuyên bố trước cộng đồng doanh nghiệp về những hành động quyết liệt của Chính phủ như chấm dứt tình trạng hình sự hóa các hoạt động dân sự, kinh tế, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đó không phải là hiện tượng phổ biến, chỉ do một số cán bộ biến chất hoặc do không hiểu biết pháp luật làm sai.
![]() |
Chính phủ thảo luận về các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp
Về tên và phạm vi của Nghị quyết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi, nội dung phải tương xứng với tên của Nghị quyết, đây sẽ là một nghị quyết có định hướng hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp dài hạn từ nay đến năm 2020, nhưng mỗi năm Chính phủ sẽ đánh giá thực hiện Nghị quyết, rà soát, bổ sung thành Nghị quyết mới tương tự như Nghị quyết 19. Nghị quyết 19 mới được ban hành tháo gỡ về thủ tục và nâng cao năng lực cạnh tranh thì Nghị quyết này sẽ tháo gỡ về thể chế, phát triển các loại thị trường.
Nội dung nghị quyết sẽ không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, nhưng sẽ bổ sung các nhiệm vụ chủ yếu đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp tục tái cơ cấu, thoái vốn, có trọng tâm là phát triển khu vực tư nhân và khơi dậy tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh mục tiêu là Nhà nước tạo niềm tin cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ pháp luật, liêm chính và đổi mới sáng tạo để tạo niềm tin cho Nhà nước. Nghị quyết cũng sẽ nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng, phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Phó Thủ tướng cũng ủng hộ đề xuất của VCCI về việc cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả phát triển doanh nghiệp để làm công cụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này, việc này sẽ giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với VCCI.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và thực thi pháp luật ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, kể cả việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và trả lời phản hồi của doanh nghiệp, hỗ trợ, đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp.
Việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp sẽ không chỉ là lắng nghe các vướng mắc, mà còn nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia, mà đại diện là các bộ, ngành, UBND các địa phương, đồng thời nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm của cả hai phía theo hướng đối thoại để hợp tác. Trong đó, chú ý có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, đại diện giới chủ (VCCI), Tổng liên đoàn lao động và các hiệp hội để bảo đảm công khai, minh bạch.
Thảo luận về các giải pháp cụ thể, các ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo của Thủ tướng về việc các Bộ cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để đưa vào nghị quyết các giải pháp cụ thể, có thể thực hiện được ngay, kiên quyết thực hiện nghiêm Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đã được Quốc hội thông qua, những gì đã cam kết với doanh nghiệp thì nhất định phải thực hiện như: các cơ quan phối hợp với nhau để chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần mỗi năm về cùng lúc nhiều nội dung; xã hội hóa dịch vụ công để tạo cơ hội cho khu vực tư nhân; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, liên kết với nhau; đẩy mạnh đấu giá đất, đấu thầu dự án để bảo đảm bình đẳng, minh bạch cơ hội tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là tiếp cận đất đai; giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp (lãi suất, thuế, phí, bảo hiểm,...); có chính sách hỗ trợ riêng đối với doanh nghiệp xã hội, hộ kinh doanh trở thành các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp,...
Quang Minh