Sáng 13/3, WB công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam. |
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động và bất định. Bối cảnh kinh tế toàn cầu có đặc trưng bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm, nhu cầu giảm, lạm phát cao, các điều kiện tài chính và tiền tệ bị thắt chặt... Đây tiếp tục là rủi ro mà Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo phải đối mặt.
Theo bà Carolyn Turk, chỉ vài ngày trước, chúng ta đã thấy việc đóng cửa Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ. Tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo lãnh đạo WB tại Việt Nam, trong nền kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách phải xử lý những những biến động, bởi chúng ta cũng thấy ở Việt Nam cũng có vấn đề thắt chặt tiền tệ, cũng như một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ.
"Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát khu vực tài chính, đảm bảo rằng các cơ quan quản lý nhà nước mà giám sát khu vực ngân hàng cần phải nắm diễn biến xảy ra, có dữ liệu, cũng như có khả năng hành động vào thời điểm phù hợp", bà Carolyn Turk khuyến nghị.
Năm 2023, các chuyên gia của WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều thách thức do hoạt động xuất khẩu sang một số quốc gia như Mỹ, châu Âu yếu hơn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, do đó tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,3% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng hơn 8% của năm 2022 do động lực tăng trưởng năm 2023 sẽ yếu đi bởi những tác động của thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào quý II/2023 và 2 năm tiếp theo (2024-2025), với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm. Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 có thể ở mức 4,5% và sẽ giảm dần xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế của WB, mặc dù có những thách thức đang phải đối mặt, song nền kinh tế Việt Nam có thể hoạt động tốt hơn nữa nếu việc thực hiện chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công, hiệu quả hơn. Cùng với đó, vai trò của chính sách hỗ trợ tài khóa và thực thi hiệu quả sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình toàn cầu có nhiều bất ổn.
Thy Lê