Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 30/3.
DN muốn được đối thoại nhiều hơn
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT đánh giá mức tăng trưởng GDP của quý I đạt khoảng 7,38% so với cùng kỳ là rất tích cực, mặt khác tăng trưởng quý I/2017 đạt thấp (5,15%) nên khi so sánh với một nền thấp thì tốc độ tăng trưởng năm sau sẽ cao hơn.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2018: Kịch bản 1 tăng trưởng GDP 6,7%, kịch bản 2 tăng trưởng 6,8%.
Tuy nhiên, qua so sánh giữa các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với kết quả tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 theo từng quý và lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Bộ KH&ĐT đánh giá mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018, trong đó tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.
Trong điều kiện giả định tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 tương đối ổn định, theo Bộ KH&ĐT, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng. Dẫn tới khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017 như vậy thì kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu, do không có các yếu tố đột biến diễn ra tương ứng cùng thời điểm như năm 2017.
“Những yếu tố như tăng trưởng đột phá của Samsung với sản phẩm mới Note 8 vào tháng 5/2017, hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu tiên đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7/2018”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng bày tỏ những kiến nghị và mong muốn tới Chính phủ. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2018, ngành thuỷ sản đặt mục tiêu tăng trưởng 20%, xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD.
Để góp phần đạt mục tiêu này, cộng đồng DN thủy sản nói riêng và DN Việt Nam nói chung rất mong muốn Chính phủ, Bộ NN&PTNT tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại với DN, qua đó giúp giải quyết những khó khăn mà DN đang gặp phải.
Bên cạnh đó, ông Nam đề xuất cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ giúp thủy sản xây dựng thương hiệu. Dẫn chứng từ câu chuyện ngành cá tra, vị đại diện VASEP cho rằng cá tra Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu trên toàn thế giới trong 20 năm qua nhưng hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn. Việc tăng sản lượng xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc gần đây đang khiến cho thương hiệu bị đe doạ nghiêm trọng.
“Khi xuất tiểu ngạch, các thương lái gom cả hàng cá tra chất lượng thấp, thậm chí là cá chết khiến nguy cơ làm mất uy tín cả ngành cá tra của Việt Nam. Tại Trung Quốc, cũng đã xuất hiện những thông tin không tốt về chất lượng cá tra của Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.
Bởi vậy, VASEP mong muốn Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần kiểm soát hàng hoá xuất bằng đường tiểu ngạch qua biên giới trong thời gian 3 tháng tới. Ngoài ra, cần rà soát lại các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia công, chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc để giữ thương hiệu.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, lo ngại: năm 2018, dự báo thị trường điện thoại di động sẽ chững lại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới tăng cao khiến rủi ro kinh doanh nhiều hơn.
Do vậy, Samsung kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện các điều kiện thương mại, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, tiếp tục đưa các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương vào thực thi, để Samsung có thể tận dụng đưa sản phẩm của mình đến nhiều thị trường hơn.
“Bên cạnh đó, nên thúc đẩy nhiều hơn nữa để các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (hiện chỉ có hơn 40 nước đã công nhận). Những thị trường lớn như Mỹ và EU vẫn chưa công nhận khiến việc xuất khẩu sản phẩm Made in Vietnam của chúng tôi gặp không ít khó khăn”, đại diện Samsung cho biết.
DN mong muốn được đối thoại nhiều hơn với Chính phủ, bộ ngành, các địa phương
Dự báo nên nhìn xa, trông rộng
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá kết quả tăng trưởng cao nhưng không nên bằng lòng, cần tìm ra xem cái gì là nguy cơ, cái gì là thách thức.
Nhìn nhận bức tranh tăng trưởng trong năm 2018, ông Cường cho rằng cơ hội lớn mà thách thức cũng lớn.
Trong đó, về thách thức, ông Cường phân tích một nền kinh tế có độ mở tới 200%, có bất kỳ tổn thương nào của kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Chưa kể những khó khăn về cơ chế chính sách, pháp luật liên quan tới môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh mà các DN đang gặp phải.
“Đối với ngành nông nghiệp, cần phải luôn chú ý tới thị trường, thị trường và thị trường. Lúc nào cũng phải chuẩn bị phương án đề phòng rủi ro”, ông Cường nói.
Cùng với đó, Ts. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh: Chính phủ đang yêu cầu công tác dự báo phải nhìn xa, trông rộng. Dự báo các yếu tố ảnh hưởng không chỉ cho năm 2018 mà cần tính đến 2019, 2020 và xét tới các yếu tố tác động bên ngoài, chu kỳ kinh tế thế giới để kịp thời có chính sách ứng phó.
“Chính phủ đang quan tâm đến chu kỳ kinh tế, không chỉ của Việt Nam mà cả nước ngoài. Thủ tướng đã chỉ đạo cần phải có nghiên cứu kỹ để có chính sách. Cùng với đó, phải nghiên cứu để xem các tác động bên ngoài đối với Việt Nam như thế nào. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam rất cao…, vì vậy bất trắc bên ngoài nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam”, ông Ngoạn lưu ý.
Trước những ý kiến của DN, bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của DN và người dân.
Cùng với đó là những hạn chế như phát triển kết cấu hạ tầng còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển, nguồn nhân lực con người, năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh còn thấp. Rủi ro thị trường, chi phí đầu vào tăng cao, các rào cản thuế quan, thương mại, hàng rào kỹ thuật ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng lớn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng phải luôn xác định tâm thế chủ động, linh hoạt ứng phó, luôn có giải pháp triển khai các nhiệm vụ và tăng trưởng phối hợp liên ngành, từ trung ương đến địa phương, không ngừng đặt ra những yêu cầu mới, mục tiêu mới cao hơn để vượt lên.
Theo Bộ KH&ĐT, thời gian tới, cần tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có sự thay đổi lớn diễn ra.
Lê Thúy
Phó Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam - Bang Hyun Woo Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục duy trì thị trường lao động cạnh tranh so với các quốc gia khác, thị trường lao động cạnh tranh đi cùng với các chính sách pháp luật linh động, cho phép thời gian làm thêm giờ, tránh tăng chi phí nhân công quá nhanh. Những yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam tạo sự cạnh tranh trên thị trường lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng Từng DN sẽ biết rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của mình, nhưng trên góc độ điều hành vĩ mô, các bộ, ngành, địa phương có nắm chắc được không? Nếu nắm chắc sẽ có phương án kịp thời tháo gỡ khó khăn, sẽ xác định ngay được nếu thiếu hụt sản phẩm này thì có thể bù đắp bằng sản phẩm khác để đảm bảo tăng trưởng. Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Vũ Viết Ngoạn
Đây là thời điểm tận dụng cơ hội để tập trung cải cách, tăng cường nền tảng để phát triển lâu dài, nâng sức chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài. Đồng thời, cần tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp có thể là một động lực của tăng trưởng nếu phát triển được công nghiệp chế biến. |