Mới đây, thông tin siêu thị SapoMart Giảng Võ, SapoMart Tây Hồ đột ngột đóng cửa, trong khi SapoMart Hà Đông treo biển “xả hàng”, giảm giá để cải tạo mặt bằng đã khiến dư luận xôn xao, đặt ra nghi vấn liệu rằng SapoMart có bán mình cho đối tác ngoại. Và nếu điều này thành sự thật thì đây là một thất bại lớn của SapoMart bởi cách đây một năm, SapoMart là cái tên được đổi từ Hiway Supercenter với nhiều kỳ vọng về chuỗi siêu thị này.
Sapomart có “vỡ mộng”
Tại buổi công bố đổi tên và thương hiệu diễn ra vào ngày 6/1/2015 (cách đây một năm), ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT của công ty CP Hiway Việt Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị SapoMart, khẳng định rằng việc đổi tên và công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới không phải chỉ là sự “thay áo” mà là sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, với một hướng đi mới trong đó trọng tâm là hướng đến khách hàng.
Slogan của chuỗi siêu thị từ “Hiway - Giá rẻ mỗi ngày” đã được thay bằng “SapoMart - Thân quen mỗi ngày” với mục đích không xem cạnh tranh bằng giá làm mục tiêu phát triển siêu thị mà sẽ cạnh tranh bằng dịch vụ, thái độ và sự chăm sóc với khách hàng.
Lãnh đạo hệ thống siêu thị SapoMart từng cho biết, công ty quyết tâm đưa hệ thống siêu thị SapoMart trở thành siêu thị thân thiện số một tại Việt Nam. Phát triển hệ thống 10 siêu thị trong năm 2015, 20 siêu thị đến hết năm 2016. Trở thành top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đến năm 2020.
Đến thời điểm này, đại diện của SapoMart cũng khẳng định, DN đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng này cam kết hỗ trợ đến 70% vốn cho cả chuỗi siêu thị sẽ được mở ra trong kế hoạch, do đó vốn không phải là vấn đề khó khăn với SapoMart.
Ngoài ra, ông Hà cũng chia sẻ rằng Hiway Việt Nam đã dừng kế hoạch chuyển cổ phần cho DN nước ngoài và Tập đoàn Sơn Hà vẫn là cổ đông lớn và khẳng định sẽ chuyển đổi cơ cấu hoạt động thay vì bán cổ phần cho DN nước ngoài.
Khẳng định trên được đưa ra khi trước đó một số thông tin cho biết, công ty CP Quốc tế Sơn Hà, đơn vị nắm quyền kiểm soát tại Hiway Supercenter, đang thương thảo với một vài đối tác ngoại để bán cổ phần mảng siêu thị nhằm tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, đến nay, sau một năm chính thức đi vào hoạt động, nhiều thông tin cho rằng có một nhà bán lẻ liên doanh giữa Việt Nam – Nhật Bản sẽ tiến hành sử dụng lại mặt bằng của SapoMart.
Nếu như thông tin trên là thật thì đây không chỉ là sự thất bại của riêng SapoMart mà còn là mối lo cho tương lai của hàng Việt, khi bản thân nội tại chất lượng của hàng Việt vẫn đang thua kém so với hàng ngoại trong khi các siêu thị nội địa thì lần lượt bị các “ông lớn” bán lẻ ngoại thâu tóm.
Những ngày cuối của năm 2014, ông Nguyễn Tuân Hải, Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư Alphanam, đã tuyên bố rút khỏi thị trường bán lẻ, chấm dứt tham vọng 79 siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc của Alphanam Food từng kỳ vọng là điểm hoàn thiện chuỗi liên hoàn từ trồng trọt đến chế biến thực phẩm và nước giải khát.
Ông Hải không phải là người duy nhất buộc phải rút chân sớm khỏi thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam - thị trường đang được nhìn nhận là “mỏ vàng dưới đáy đại dương” với vô vàn “cá mập” bao quanh.
![]() |
Nguy cơ lớn nhất, thách thức lớn nhất trong cuộc đổ bộ của các đại gia bán lẻ ngoại vào thị trường bán lẻ Việt là bóp chết mảng sản xuất của Việt Nam.
Siêu thị ngoại, mối lo cho hàng nội
Theo số liệu thống kê, thị phần bán lẻ hiện đại của siêu thị và trung tâm thương mại so với tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt khoảng 20%, nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn rất thấp (Thái Lan 34%, Singapore 90%, Malaysia 60%).
Trong thời kỳ 2014-2015, bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng chủ đạo của các thương vụ M&A, chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ của Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều khoảng trống.
Vì vậy, tại kênh siêu thị bán lẻ, hoạt động M&A đã diễn ra khá rầm rộ. Trong năm qua, có thể kể tới các thương vụ như Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivimart với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 49% và 30%, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry.
Xét riêng về số siêu thị mở mới, trong khi Lotte Mart dự kiến mở tới 60 siêu thị đến năm 2020 thì Aeon đặt mục tiêu khiêm tốn hơn, 20 đại siêu thị, nhưng kèm theo 500 siêu thị mang tên Aeon-Citimart đến năm 2025, chưa kể đến chuỗi siêu thị mang tên Aeon-Fivimart…
Việc M&A ngày càng nhộn nhịp, không tránh khỏi việc nhiều siêu thị nội bị các ông lớn “ngoại” nuốt chửng. Tuy nhiên, trước hiện trạng thay tên, đổi chủ của các siêu thị hiện nay. Ts. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng “Không quan tâm nhiều đến chủ, mà quan tâm người ta bán thế nào và bán cái gì. Chủ đầu tư nước ngoài hiển nhiên là dịch vụ sẽ tốt hơn. Nhưng vấn đề là người ta vào đây có bán lại mặt hàng cũ đó không, hay người ta đưa hàng hóa khác vào. Bán lẻ Việt Nam mà phá sản thì nhiều khả năng sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng. Đấy mới là vấn đề”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam, cho biết mới đây, nhà tỷ phú Thái Lan của BJC đã tuyên bố sẽ bán tới 60% hàng Thái khi mua chuỗi siêu thị Metro. Nhiều khả năng, họ cũng sẽ mua luôn cả BigC.
Về vấn này, các chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ lớn nhất, thách thức lớn nhất trong cuộc đổ bộ của các đại gia bán lẻ ngoại vào thị trường bán lẻ Việt là bóp chết mảng sản xuất của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, khi các nhà bán lẻ nước ngoài nắm quyền quản lý thì hàng hóa nhập khẩu hoặc các nhãn hàng riêng của họ cũng sẽ “đi theo” vào hệ thống siêu thị. Thậm chí không loại trừ khả năng họ từng bước loại hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị để đưa hàng nước họ vào.
Khi đó, hàng nội sẽ không còn đất sống. Tiêu thụ không được, nhà sản xuất trong nước cũng chết theo. Hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…khi đó sẽ lên ngôi, thống lĩnh thị trường.
Lê Thúy
Ông Lý Trường Chiến - Chuyên gia Kinh tế DN cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các DN FDI để tự hoàn thiện mình. Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Siêu thị nội nếu không muốn bị đè bẹp thì phải liên kết, liên doanh với nhau. Bởi liên doanh là một trong những cách làm để học hỏi và phát triển khi mình yếu. Đồng thời, siêu thị Việt cũng nên học hỏi kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia,… khi liên doanh hợp tác, tích cực học hỏi về chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích lũy vốn… nhanh để có thể tự đứng vững và giành thế chủ động. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu Thị Tp. Hà Nội Nếu chúng ta không chiếm lĩnh thị trường, không phân bổ, không có sự chuẩn bị, khi các nhà bán lẻ của các nước vào, đương nhiên họ sẽ ủng hộ hàng hóa của họ đầu tiên. Nếu chúng ta có tiêu chuẩn đảm bảo, có thương hiệu tốt thì sản phẩm của Việt Nam có thể sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và cả nước ngoài nữa. |