Theo thống kê, trong 9 tháng/2016, tổng mức bán lẻ tăng gần 9,5%, cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam vừa công bố cho thấy hiện nay, nguồn cung thực phẩm tại thị trường trong nước chiếm 60% là nguồn hàng nội địa nhưng số lượng doanh nghiệp bán hàng hoá mang thương hiệu của riêng mình chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chưa đầy 1%. Câu hỏi đã được đặt ra là cánh cửa phân phối vẫn luôn để ngỏ nhưng tại sao các nhà sản xuất thực phẩm sạch vẫn không vào được?
Cửa rộng mở
Theo đánh giá của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, hiện nay, mức chi bình quân cho lương thực, thực phẩm tại một số đô thị tương đối cao, ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục tăng 5,1%/năm với khoảng 29,5 tỷ USD. Thị trường bán lẻ trong nước vẫn đầy tiềm năng đối với các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, an toàn.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kênh mua sắm hiện đại mới chỉ chiếm 30-35%, tại Việt Nam, cứ 69.000 người mới có một cửa hàng tiện ích trong khi tại Hàn Quốc là 1.800 dân có một cửa hàng. Trong khi đó, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân vẫn là chợ cóc, chợ truyền thống khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết là hiện ngành bán lẻ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tương xứng. “Chỉ đầu tư sản xuất mà không giải quyết phân phối, đầu ra. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nông sản cứ được mùa là mất giá như hiện nay”, bà Loan khẳng định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước luôn khẳng định ưu tiên phân phối những sản phẩm được sản xuất trong nước. Đại diện công ty CP Nhất Nam cho biết: “Siêu thị Aeone Fivimart luôn ưu tiên các nhà cung cấp của Việt Nam, sẵn sàng phân phối, liên kết với các đơn vị sản xuất cam kết đảm bảo chất lượng hàng hoá”.
Thị trường sản phẩm sạch vẫn còn thiếu cái “bắt tay” giữa sản xuất-phân phối
Đại diện Hệ thống siêu thị BigC khu vực phía Bắc cho biết: “BigC đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng Việt Nam và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.” Do đó, chính sách thu mua của BigC là “ưu tiên hàng nội. Bởi vậy BigC luôn chào đón doanh nghiệp sản xuất trong nước.”
Một thực tế không thể phủ nhận rằng thực phẩm sạch được sản xuất trong nước vẫn xuất hiện một cách khiêm tốn trên hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Nhưng vẫn “kẹt”
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết là hiện nay, Hà Nội đã hình thành được 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, tập trung, 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng được 8 chuỗi giá trị với 8 sản phẩm chủ lực như sữa Ba Vì, Vịt Vân Đình, gà đồi Sóc Sơn,
Tuy nhiên, ông Đăng cho biết thêm là do hệ thống cửa hàng tiện ích mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ nên sản phẩm vẫn chưa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi. Bên cạnh đó, thiếu các doanh nghiệp phân phối đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế, đóng gói thành phẩm như thịt cấp đông có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nên ít người tiêu dùng biết đến thương hiệu sản phẩm.
Đồng tình quan điểm với ông Đăng, ông Nguyễn Hồ Nguyên – Tổng Giám đốc công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, cũng thừa nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ thường yếu kém về mặt tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gây dựng thương hiệu trên thị trường. Do đó, ông kỳ vọng các siêu thị cũng như các nhà quản lý, báo đài, truyền hình có thể hỗ trợ những đơn vị như của ông trong công tác làm thị trường, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn, cũng như có sự bảo hộ bản quyền một cách thích đáng.
Về phía nhà bán lẻ, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp phân phối hiện nay là các cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chất lượng và số lượng không ổn định, không đáp ứng được tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống thương mại hiện đại.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – chia sẻ: “Đúng là tiềm năng sản phẩm công nghiệp nông thôn rất lớn, đa dạng, nhưng thông tin giữa các bên chưa ổn. Vì thế, ngay từ bây giờ, các nhà sản xuất, phân phối cần tạo ra một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như vậy ngành bán lẻ mới có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập”.
Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mới chỉ trả lời được những câu hỏi đơn giản như “Có những sản phẩm gì”, “Sản phẩm được phân thành các nhóm nào”… mà chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và làm thị trường, nên khi sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mới xảy ra câu chuyện “được mùa mất giá”.
Rõ ràng, kết nối thì không khó, nhưng chất lượng mối nối đó ra sao thì không phải chỉ cần sự nỗ lực của nhà sản xuất hay phân phối mà rất cần sự hỗ trợ về chính sách.
“Cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý tạo điều kiện hỗ trợ các nhà sản xuất-cung ứng tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, bán lẻ”, bà Loan cho hay.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương ------------------------------- Để đảm bảo sản xuất kinh doanh và cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường… tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, trên thị trường. Bên cạnh đó, sẽ sớm hoàn thiện nhãn hiệu chứng nhận thực phẩm an toàn để người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích giúp quản lý chất lượng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi khi mua sắm. Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm Hiện nay, người tiêu dùng cũng đã ý thức được sự nguy hại của thực phẩm không an toàn nên cũng có thay đổi về cách mua sắm thực phẩm. Đây chính là cơ hội tốt cho người sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Điều này sẽ sớm thành hiện thực khi có sự liên kết chặt chẽ bằng chất lượng, uy tín, bằng sự hài hoà về lợi ích giữa các tác nhân trong mối quan hệ liên kết đó. Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc công ty CP Thực phẩm Vinh Anh Chăn nuôi ở nước ta hiện nay đang nằm nhỏ lẻ trong dân nên việc quản lý chất lượng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các trang trại lớn thì hầu như không có vốn chỉ xây để nuôi gia công, thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp phân phối nên đang bị “tắc” đầu ra cho sản phẩm. |
Thanh Hoa