Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm đang đứng đầu về thị phần ở nhiều thị trường lớn, có lợi thế cạnh tranh hơn so với tôm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador.
Thấp thỏm lo thị trường Mỹ
Song, đại diện VASEP cũng bày tỏ lo ngại đặc biệt với thị trường Mỹ. Cụ thể, nếu việc khai thác thủy sản tự nhiên không tuân thủ được các quy định của Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển của Mỹ thì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không tuân thủ được các quy định của Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển của Mỹ. |
Hơn nữa, ông Nam cho biết Mỹ và EU vốn là hai thị trường định hướng tiêu dùng của thế giới. Do vậy, nếu Việt Nam bị phạt thì các thị trường khác cũng sẽ dè chừng trong việc nhập khẩu thủy sản của chúng ta.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết việc vi phạm Đạo luật Bảo vệ động vật có vú dưới biển của Mỹ sẽ rất nghiêm trọng. EC phạt "thẻ vàng" thì chúng ta vẫn còn có cơ hội gỡ, nhưng nếu bị Mỹ phạt thì "cánh cửa" sẽ đóng lại.
Theo đó, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết cuối năm nay, việc quản lý bảo vệ động vật có vú dưới biển của Việt Nam cần tương đương với Mỹ để tránh việc bị thị trường này "tuýt còi".
Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ, Đạo luật Bảo vệ động vật có vú dưới biển (MMPA) ban hành vào ngày 21/10/1972. Theo đó, tất cả các loài động vật có vú dưới biển đều được bảo vệ theo MMPA. MMPA nghiêm cấm các hành vi quấy rối, săn bắt, bắt hoặc giết bất kỳ động vật có vú nào dưới biển đối với công dân Mỹ, trong vùng biển của Mỹ cũng như việc nhập khẩu các loài động vật có vú dưới biển và các sản phẩm từ động vật có vú dưới biển vào Mỹ, trừ một số ngoại lệ trong quy định.
Bên cạnh đó, các loài động vật giáp xác (cá voi và cá heo), động vật thuộc Bộ Bò biển (lợn biển và cá cúi) và một số loài động vật ăn thịt dưới biển (hải cẩu, rái cá, hải mã và gấu Bắc Cực) được bảo vệ theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Không còn thị trường dễ tính
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Mỹ thì sản phẩm của mình phải đảm bảo các điều kiện, quy định của họ.
Cụ thể, Mỹ yêu cầu phải xác định được tỷ lệ khai thác trong chuỗi có ảnh hưởng tới động vật có vú dưới biển như kéo lưới vây, lưới rê, câu... dưới 10%, trên 10% thì họ sẽ có biện pháp xử lý. Đồng thời, khi phát hiện, bắt gặp các loài động vật có vú dưới biển lưu vong thì ngư dân cần phải giải cứu, đưa chúng về tự nhiên.
Vì vậy, ngư dân cần phải ghi nhật ký khai thác trên tàu để cập nhật quá trình khai thác thủy sản. Khi tàu đã đến bờ, các cảng cá cần nắm bắt thông tin, phải xác nhận, truy xuất được quá trình khai thác... Những quy định này Việt Nam chưa có thì phải xây dựng. "Chúng ta đang cố gắng để hoàn thiện các yêu cầu của phía Mỹ, cả về biện pháp trước mắt và lâu dài", ông Hùng cho biết.
Trước nguy cơ trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết tất cả công ước mà Việt Nam tham gia thì phải thực hiện nghiêm túc, luật hóa tại các luật. Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuỷ sản phối hợp địa phương thực hiện nghiêm túc trên cơ sở Đề án bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản, cũng như yếu tố riêng biệt như động vật có vú trên biển. Đây sẽ là khẳng định giúp ngành thuỷ sản phát triển bền vững, lâu dài.
Bên cạnh đó, về vấn đề thị trường EU phạt "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, ông Tiến cho biết thời gian vừa qua số lượng tàu đánh bắt cá trái phép có giảm, nhưng thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định chỉ khi không còn tàu vi phạm thì mới gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam. Điều này cho thấy việc bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản là rất quan trọng.
Tổng cục Thủy sản cũng cho biết sắp tới sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý khu bảo tồn biển. Trình Bộ phê duyệt: Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển; Chương trình Quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chương trình Điều tra tổng thể nguồn lợi và môi trường sống của các loài...
Cùng với đó, hiện nay không chỉ thị trường Mỹ, hay EU mới đặt ra yêu cầu với ngành thủy sản. Ngay với thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cần rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc. Vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành thủy sản là phải định hướng cho ngư dân sản xuất đạt theo tiêu chuẩn của từng thị trường, đúng yêu cầu mà họ đặt ra.
Về phản ánh của DN về việc chậm trễ trong cấp mã số nuôi trồng cho ngành tôm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, công việc này không chỉ liên quan tới ngành nông nghiệp, bởi truy xuất nguồn gốc ao nuôi tôm liên quan tới Luật Đất đai. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động phối hợp với Bộ TN&MT để bàn về vấn đề đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc cho các ao nuôi tôm.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu thủy sản cũng bày tỏ nỗi lo khi dịch COVID-19 đang lan rộng ở các tỉnh phía Nam, có nguy cơ xâm nhập vào nhà máy chế biến thủy sản. Theo đó, nhiều DN đã tính tới phương án cho công nhân ăn, ở ngay tại nhà máy. Đồng thời, các DN mong muốn có thể mở rộng tiêm phòng COVID-19 cho toàn thể công nhân. Điều này sẽ giúp duy trì sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh nhu cầu ở nhiều thị trường lớn phục hồi.
Lê Thúy