Mức lương được trả đến 40 triệu đồng mỗi tháng, bà Trần Thị Loan (quê Sóc Trăng) làm việc cho một công ty Nhật trong ngành phụ tùng ô tô tại thánh phố Nagoya (Nhật Bản) được 3 năm thì bị buộc trở về Việt Nam vì hết thời hạn lưu trú. Do muốn ở lại Nhật làm việc, bà Loan phải làm mọi cách (kể cả bất hợp pháp), nhưng rốt cuộc vẫn bị cảnh sát trục xuất về nước và không có cơ hội quay trở lại làm việc.
Giã từ lao động chui
Nhiều người Việt khi xuất khẩu (XK) lao động tại Nhật cũng vấp phải tình cảnh tương tự như bà Loan. Điều này còn dẫn tới tình trạng lao động chui tại Nhật như thời gian qua. Hoặc những trường hợp đi theo chương trình thực tập kỹ năng hợp pháp cũng phải về nước đúng hạn trong 3 năm nhằm tránh những rủi ro.
Chính vì vậy, việc Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự luật mới cho phép nước này tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước kéo dài đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động Việt Nam. Điểm đáng chú ý ở luật mới là cho phép người lao động nước ngoài ở lại lâu hơn (5 năm) tại Nhật.
Khi được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến về chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài đến Nhật làm việc và dự luật kiểm soát nhập cư mới, ông Lê Long Sơn, Giám đốc công ty TNHH Esuhai (trụ sở tại Tp.HCM), nhấn mạnh rằng tại Việt Nam có rất nhiều người muốn sang Nhật làm việc nếu chương trình mới được thông qua.
Ông Sơn nhận định luật này mở ra cánh cửa mới cho một bộ phận lao động có tay nghề, kinh nghiệm và trình độ cao hơn thực tập sinh nhưng chưa đạt trình độ như kỹ sư. Đội ngũ lao động như vậy ở Việt Nam rất nhiều.
"Tôi đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản nên có sự xác nhận và liên kết chặt chẽ với Việt Nam đối với những người muốn tham gia chương trình mới này. Thực tế tại Việt Nam có rất nhiều người muốn sang Nhật làm việc, khi chương trình mới được thông qua thì số lượng người muốn tham gia sẽ tăng lên nhiều hơn", ông Sơn nói.
Thị trường XK lao động Nhật Bản được cho là sự lựa chọn số 1 cho người Việt muốn sang nước ngoài làm việc. Có thời điểm khi tỷ giá đồng Yên lên cao, người lao động được trả lương lên tới 40-50 triệu đồng/ tháng, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt tiết kiệm được 20-30 triệu đồng/tháng để gửi về cho gia đình. Chính vì vậy, nhiều người lao động đã đổ xô tìm cơ hội để đi làm việc tại Nhật Bản.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), năm ngoái có gần 60.000 lao động Việt Nam đã xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc, nửa đầu năm nay là gần 40.000 người.
![]() |
Nhiều người lao động đổ xô tìm cơ hội để đi làm việc tại Nhật Bản |
Mở ra cánh cửa mới
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Chí, chủ một doanh nghiệp (DN) Việt trong lĩnh vực nhập khẩu máy móc phụ tùng tại Nhật Bản, cho biết chính sách mới cho phép làm tối đa là 5 năm thay vì 3 năm như trước đây và người đã hết hợp đồng về nước được phép đi XK lao động Nhật Bản lần hai.
Đây là một trong những chính sách có lợi nhất dành cho người lao động Việt và tăng thêm cơ hội làm giàu từ thị trường việc làm tại Nhật Bản.
Nhật Bản hiện nay đang bị thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Một kết quả khảo sát cho thấy dân số của Nhật Bản tính đến năm 2018 là hơn 125 triệu người, tỷ lệ dân số già chiếm đến 65%; độ tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất là 40-50 tuổi, tức là ở độ tuổi ít cho năng suất lao động. Dự kiến, số lượng này vẫn tiếp tục ngày một tăng lên.
Trong khi đó, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu lao động bị thất nghiệp và không có đủ việc làm.
Với tình trạng này, chỉ có Nhật Bản mới đáp ứng được nhu cầu về việc làm của người lao động Việt. Vì vậy, việc Nhật Bản sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài nhiều hơn, cộng với chính sách cởi mở hơn đồng nghĩa người lao động Việt sang Nhật sẽ dễ hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo, với chính sách mới, cơ quan chức năng hai nước cần lưu ý đến những trung tâm lừa đảo lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của người lao động để trục lợi. Do đó, cần phải kiểm soát các công ty môi giới tốt hơn.
Ông Chí bày tỏ, Chính phủ Nhật Bản cần đảm bảo người lao động không bị bóc lột sức lao động khi sang nước này làm việc. Trước nay, lao động Việt thường xuyên bị chỉ định tăng ca, thay vì được quyền lựa chọn như lao động Nhật.
Bên cạnh đó, cánh cửa mở ra cho công nhân Việt Nam làm việc tại thị trường Nhật Bản là rất hấp dẫn, nhưng Nhật Bản cũng không chấp nhận lao động có trình độ chuyên môn thấp.
Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo và làm việc tại Nhật Bản đòi hỏi sự nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của các DN trên thị trường lao động tại Nhật Bản. Mặt khác, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải có những biện pháp chặt chẽ, áp dụng xử lý những trường hợp tiêu cực trong XK lao động sang Nhật để phát triển bền vững thị trường này.
Thanh Loan