Có thể nói lúa gạo, trái cây và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL liên quan đến an ninh lương thực, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, phát triển dịch vụ. Thế nhưng, chất lượng hàng hóa nông – thủy sản của vùng vẫn còn kém về khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.
Vùng này cũng được đánh giá về việc sử dụng tài nguyên kém hiệu quả, phát triển kinh tế kém bền vững, tỉ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Do vậy, trong kinh tế hội nhập, cạnh tranh và tác động biến đổi khí hậu, nếu các trở ngại này chậm khắc phục thì ĐBSCL sẽ phải đối mặt phát triển không bền vững và tụt hậu trong tương lai.
![]() |
Lúa gạo, trái cây và thủy sản là 3 ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL cần có những quyết sách đúng trong tương lai
Kiến tạo cơ chế thuận lợi
Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu mực nước biển tiếp tục dâng trong những thế kỷ tới sẽ gây ra những tác động rất lớn đến ĐBSCL và chỉ ra rằng mực nuớc biển sẽ tăng 28-33cm vào những năm 2050 và đến năm 2100, mực nước biển sẽ tăng 65-100 cm phụ thuộc vào từng kịch bản. Dự báo tác động BĐKH và nước biển dâng đến năm 2050 có khoảng 26,7% dân số và khoảng 31% đất của vùng bị ảnh hưởng.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ trong vòng hai năm qua, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, ngập mặn. Chỉ riêng năm nay, ngập úng nặng nề tại khu vực ven biển và xói lở ven sông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những cộng đồng gặp nhiều nguy cơ trên khắp khu vực này.
Thách thức, nguy cơ là thế, nhưng không có nghĩa là bi quan về tương lai của khu vực kinh tế quan trọng này. Chủ trì hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL diễn ra ở Cần Thơ ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn bày tỏ sự lạc quan cho ĐBSCL với điều kiện phải có những quyết sách mới cho hệ thống chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển.
Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, người đứng đầu Chính phủ, cho biết sẽ có ít nhất 1 tỷ USD từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA, WB để hỗ trợ cho ĐBSCL để làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ và nước nhiễm mặn.
Thủ tướng cũng cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hoá các hành động thực hiện, các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững cho ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ.
“Bắt tay vào làm ngay”
Dành sự quan tâm lớn cho “vựa lúa” miền Tây, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, lưu ý rằng tình trạng phân tán ngân sách, đầu tư hiện nay cũng như sự thiếu hiệu quả trong việc xây dựng những môi trường thuận lợi đang cản trở tiềm năng tăng trưởng chung của ĐBSCL.
Vì vậy cần phải có những giải pháp táo bạo để tận dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khan hiếm, ban hành những chính sách để định hướng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, chiến lược định vị nơi cần đầu tư hạ tầng, và đưa ra được những phương án đầu tư tối ưu.
Đối với khu vực này, theo giới chuyên gia, nên có được định hướng toàn khu vực về đầu tư và chính sách sẽ góp phần nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả phân phối, phân bổ nguồn lực.
Đồng thời, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn trái, cá da trơn và tôm, lồng ghép nâng cao năng lực và thu nhập nông dân qua liên kết vùng và tham gia “4 nhà” cần thực hiện càng sớm càng tốt để làm nền tảng hỗ trợ thực hiện “Tam Nông” các tỉnh thành vùng ĐBSCL được thành công hơn trong kinh tế hội nhập và thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt các đề án tái cơ cấu nông nghiệp của các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), ĐBSCL hiện có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết có nhiều ý kiến từ đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển. Còn theo ông Ousmane Dione, trong vấn đề đầu tư và nguồn vốn, do nhu cầu đầu tư lớn nên để phát triển ĐBSCL, cần tuân thủ chặt chẽ các bước xác định, lập chương trình, sắp xếp ưu tiên đầu tư để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất đầu tư, có tính đến các yếu tố bất định, những sự đánh đổi, lồng ghép vào quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.
Công tác này sẽ phát sinh những chi phí và đòi hỏi phải huy động nguồn lực. Vì thế câu hỏi căn bản ở đây là lấy nguồn tiền ở đâu. Từ bài học của các nước khác, Việt Nam có thể cân nhắc thành lập một Quỹ Phát triển ĐBSCL, có cơ chế quản lý hoạt động rõ ràng, để huy động những nguồn vốn cấp bách, dành riêng cho từng mục đích, phù hợp với các nguyên tắc chung về quản lý bền vững, thích ứng khu vực.
Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng là việc thực hiện. Vị giám đốc của WB tại Việt Nam khuyến nghị rằng chỉ số thành công trong việc đổi mới mô hình phát triển cho ĐBSCL sẽ không chỉ xác định được dựa trên thiết kế mô hình, mà sẽ được xác định cụ thể hơn từ những hoạt động thực tế với các kết quả cụ thể.
Thanh Loan