Nhiều tỉnh thành trên cả nước triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho người dân. |
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ ngày thành lập Quỹ đến 17h ngày 6/6, tổng số tiền và hiện vật quy đổi mà các tổ chức, cá nhân đã đóng góp và cam kết đóng góp là 5.666,66 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ đã nhận được tổng cộng 1.299 tỷ đồng giá trị quy đổi, bao gồm cả ngoại tệ quy đổi.
Ngoài ra, còn khoảng 4.367,66 tỷ đồng tiền và hiện vật quy đổi các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp nhưng chưa chuyển tiền.
Cũng theo ban quản lý Quỹ, cơ quan quản lý đã mở 12 tài khoản do Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 đứng tên, cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 3 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank và HDBank.
Thực hiện quy định tại Thông tư số 41/2021 của Bộ Tài chính, ban quản lý Quỹ sẽ công khai số dư và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ quỹ hàng ngày.
Trước khi Quỹ ra mắt vào tối ngày 5/6, đã có hàng nghìn tỷ đồng được các doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân cam kết đóng góp.
Một số tập đoàn, tổng công ty đóng góp, ủng hộ số kinh phí lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) mỗi nơi 400 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) mỗi nơi 200 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) 100 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) 50 tỷ đồng.
Tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, sau lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, đại diện hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức đã tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ.
Chẳng hạn, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tập thể cán bộ công chức, người lao động toàn ngành ngân hàng đã ủng hộ trên 1.300 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, riêng tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 vào khoảng 700 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng cam kết đóng góp hàng nghìn tỷ đồng bao gồm Tập đoàn Viettel ủng hộ 450 tỷ; Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam mỗi doanh nghiệp 400 tỷ đồng.
Với tinh thần tích cực, trách nhiệm hưởng ứng cuộc vận động, Liên minh HTX các tỉnh thành trên cả nước cũng hưởng ứng tích cực cuộc vận động toàn dân ủng hộ xây dựng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Điển hình, Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự tham gia đóng góp trên 115 tập thể, cá nhân tham gia với tổng số tiền là 82.650.000 đồng; Liên minh HTX tỉnh Nam Định ủng hộ hơn 42 triệu đồng; Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ gần 57,5 triệu đồng…
Bên cạnh đó, nhiều HTX trên cả nước đều tham gia với mức từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng chung tay, góp sức cùng các tổ chức khác xây dựng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 .
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.
“Chúng tôi hiểu rằng đồng tiền trong Quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân, chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng Quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ xuất Quỹ kịp thời để Bộ Y tế mua vắc xin về phục vụ nhân dân. Bộ Tài chính sẽ cam kết công khai, minh bạch số tiền hằng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vắc xin phòng chống Covid-19”, ông Phớc nói.
Cũng tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Việt Nam đã có được 130 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tất cả các vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
"Ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu; đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đến nay hơn 2 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tư lệnh ngành Y tế cũng cho biết thêm: trong những ngày tới, khi nguồn cung vắc xin dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực với hơn 10 nghìn cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thanh Hoa