Ngày 1/4, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%.
![]() |
Hoạt động xuất khẩu trong quý I/2020 |
Tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%). Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.
Nhóm hàng nông, lâm thủy sản 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,9%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%). Sau giai đoạn 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Mỹ là những nước đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 15,9%, trong đó dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Công Thương đánh giá việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới, cụ thể như: Dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong thời gian tới.
Các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.
Nhật Linh