Nội dung chủ yếu của dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 26, Nghị định số 92/NĐ-CP của Chính phủ gồm quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng và sản phẩm chủ yếu. Theo đó, việc quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh được gọi là quy hoạch "mềm" có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch các sản phẩm thương mại rồi áp đặt các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu (XK) đối với các sản phẩm này là khó khả thi trong nền kinh tế thị tường.
Thiếu thực tế, khiên cưỡng
Đơn cử, việc quy hoạch mục tiêu sản xuất các chủng loại xe gắn máy cũng như XK các sản phẩm xe gắn máy tại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020 xác định mục tiêu: "Đến năm 2015, sản xuất được các loại xe máy có phân khối lớn hơn 125cm³, xe tay ga cao cấp, xe thể thao, xe máy 3 - 4 bánh cho người tàn tật, xe địa hình phục vụ cho du lịch, xe vận chuyển phục vụ trong nước và XK. Phấn đấu XK xe máy và phụ tùng xe máy đạt khoảng 400 triệu USD".
Đánh giá về mục tiêu này, ông Trần Trung Hiếu - Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc áp đặt các mục tiêu sản xuất và XK từng chủng loại xe như vậy đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thị trường do những quyết định này thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp (DN) dựa trên nhu cầu của thị trường. Khi nhu cầu trong nước nhỏ hơn nguồn cung, các DN sẽ tự động tìm cách XK. Việc đặt ra mục tiêu cụ thể rồi ép DN XK sẽ khiến DN phải chuyển từ chiến lược đầu tư dài hạn sang ngắn hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của DN.
![]() |
Hầu hết các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt trong thời gian gần đây đều được lập dựa trên cách tiếp cận từ việc nghiên cứu nhu cầu phát triển đặt ra để đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH. Các tính toán cân đối nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực tuy đã được xem xét nhưng nhìn chung, khả năng huy động nguồn lực và lộ trình đầu tư vẫn không rõ ràng.
Vẫn theo ông Hiếu, quy hoạch cần phải luôn mang tính khoa học và đồng bộ, đó là hai mặt của một vấn đề bổ sung cho nhau. Nếu tính toán không khoa học sẽ gây lãng phí, thiệt hại; còn nếu thiếu đồng bộ sẽ làm giảm năng suất và kém hiệu quả. Ví dụ, hiện Bộ GTVT đang chịu trách nhiệm chủ trì lập quy hoạch mạng lưới đường cao tốc, hệ thống cảng hàng không, cảng biển. Nhưng các quy hoạch này đều được lập, thẩm định và phê duyệt riêng rẽ. Việc này đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong hệ thống kết cấu hạ tầng ngay ở khâu đầu tiên là quy hoạch.
Trong giám sát kế hoạch cấp quốc gia, văn bản pháp lý quan trọng nhất đến thời điểm này là Quyết định số 555/200/QĐ-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc theo dõi, đánh giá kế hoạch phát triển KT-XH tại các Bộ, ngành cấp Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hiện việc triển khai giám sát, đánh giá kế hoạch chưa được thực hiện theo hướng dẫn trên do hệ thống số liệu thống kê chưa đáp ứng được nhu cầu giám sát và đánh giá của kế hoạch.
Tràn lan, không đồng bộ
Nhiều số liệu khó có thể thu thập, hoặc việc tính toán là không khả thi, song những chỉ tiêu này vẫn được đưa vào kế hoạch, thậm chí lại còn là những chỉ tiêu luôn được nhắc đến, như: thu nhập của hộ gia đình, số người tập thể dục buổi sáng, số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai…
"Trong thẩm định quy hoạch, rất hiếm khi thu thập được đủ tất cả ý kiến của các cơ quan đồng cấp. Trong khi lập kế hoạch và ngân sách ở một số nơi hầu như "được coi" là công việc của cơ quan KH&ĐT và ngành tài chính", ông Hiếu nói.
Dưới góc nhìn của chuyên gia về đất đai, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đánh giá trước đây, quy hoạch đô thị được coi như một tài liệu mật. Thông tin quy hoạch được bán "chui" cho những người quan tâm, nhất là "cò" đất và đầu cơ đất, còn người cần lại chưa chắc đã tìm mua được.
Đến nay, mặc dù quy hoạch đô thị phải được công khai, nhưng mọi người vẫn nghe ngóng thêm thông tin "kín" về quy hoạch sẽ được duyệt để xếp đặt kế hoạch riêng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Điển hình cho tình trạng này là việc nhiều người dân đã kéo nhau tấp nập đi "mua" đất nông nghiệp ở Ba Vì chỉ vì nghe nói đó sẽ trở thành trung tâm hành chính mới của Hà Nội.
Bên cạnh đó, tuy cơ quan KH&ĐT ở các cấp đều có chức năng tham mưu cho chính quyền trong quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH và được "trông đợi" sẽ đảm bảo sự phối hợp giữa các ban, ngành, song với vị thế, năng lực và quyền hạn của mình, cơ quan KH&ĐT chưa đảm nhận được vai trò "tổng tham mưu trưởng" trong việc điều hành phát triển KT-XH. Chính điều này đã dẫn đến hiện tượng các quy hoạch tràn lan, không đồng bộ và tương ứng với nhau, thậm chí còn làm giảm hiệu lực lẫn nhau.
Việt Nguyễn