Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, dự thảo lần này bị “chê” nhiều hơn “khen”.
Cần có quy hoạch mới
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương), giai đoạn từ 2011 – 2015, mức tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm bình quân của ngành dệt may Việt Nam là 14,59%.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành đạt 28,123 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với năm 2010. Ngành dệt may Việt Nam đã trở thành ngành có kim ngạch XK đứng thứ hai cả nước và nằm trong top 5 nước XK hàng dệt may hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai quy hoạch tại Quyết định 3218/QĐ-BCT 11/4/2014, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương, nhiều nhân tố chủ quan và khách quan đã xuất hiện, tác động lớn đến sự phát triển của ngành.
Cụ thể, chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam chưa thực sự phát triển, không có khả năng tìm được nguồn vải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thời gian giao hàng, trong khi hoạt động đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng.
Ngành dệt may Việt Nam phát triển không cân đối, khâu dệt nhuộm hoàn tất hiện đang là “nút thắt” kìm hãm sự phát triển của ngành. Trong khi đó, phần lớn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư, liên doanh tại Việt Nam và hiện chiếm tới 65% năng lực sản xuất. Đồng thời, mảng thiết kế sản phẩm vẫn rất yếu.
“Trình độ công nghệ sản xuất vào loại thấp so với khu vực và thế giới. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tuy đã có tiến bộ, song nhìn chung chưa đạt yêu cầu phát triển”, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương nhận định.
Trong năm 2015 và 2016, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng đã có hiệu lực hoặc đã được ký kết hay kết thúc đàm phán.
Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, có lợi thế phát triển nhanh trong giai đoạn vừa qua nhưng để tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới cần thiết phải có sự đổi mới cách tiếp cận.
Vì vậy, Bộ Công Thương quyết định xây dựng đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Bộ Công Thương dự báo tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành dệt may so với giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 chiếm khoảng 21 – 22%, năm 2025 đạt khoảng 23 – 25%, năm 2035 khoảng 18 – 20%.
Để thực hiện mục tiêu này, đề án trên đã đưa ra các giải pháp: với công nghiệp may, khuyến khích các DN chuyển hướng đầu tư dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu riêng để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Công nghiệp dệt (bao gồm sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải) tập trung phát triển các mặt hàng dệt kim, dệt thoi là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm nguyên, phụ liệu ngành dệt may trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết…
Tuy nhiên, Dự thảo đưa ra lần này chưa nhận được sự đồng tình của cộng đồng DN và chuyên gia.
![]() |
Liệu bài toán nguyên phụ liệu ngành dệt may có được giải trong quy hoạch mới
Phát triển thế nào?
Đại diện Viện Dệt may đánh giá, đề án trên lộn xộn, số liệu mâu thuẫn nhau. Các phần số liệu trước sau không thống nhất; chỗ dùng tấn, chỗ dùng mét… Trong khi về mặt hiện trạng, vấn đề cần quan tâm nhất là năng lực phát triển của ngành may, bông, sợi thế nào… lại không có.
“Nếu có phân tích kỹ xơ phải nhập xơ gì, sợi nhập gì… mới thấy rõ chúng ta đang thiếu và cần làm gì trong tương lai. Cũng như quy hoạch dệt may phải điều chỉnh lại theo xu hướng phát triển của công nghệ, các ngành khác, ví dụ da giày cần bao nhiêu vải từ dệt may… từ đó có hướng phát triển lâu dài”.
Theo Viện Dệt may, sản phẩm nào có năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng mới làm được, còn nếu cứ thích gì thì làm sẽ không hiệu quả. Điều đó nghĩa phải phân tích năng lực cạnh tranh của từng ngành sản phẩm trong ngành dệt may.
Đồng quan điểm, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, bổ sung: Quy hoạch để phát triển cần quan tâm tới phát triển theo vùng, sản phẩm nào có thế mạnh cạnh tranh và nguồn lao động.
Về khu vực dệt may theo chuỗi, theo ông Việt, cần xây dựng theo quy trình sợi bán cho dệt, dệt bán cho may, may đem đi thêu, giặt. Tất cả quy trình này đều không phải trả tiền trước, khi xuất khẩu xong mới phải trả tiền. Việc tận dụng vốn của nhau như vậy sẽ rất tốt.
Ông Việt ví dụ, như ở Trung Quốc, họ xây dựng một phố để các DN sản xuất, thương mại tập trung ở đó. Quy hoạch với dòng sản phẩm tương tự từ sợi, may, giặt, thêu… Cần nhìn vào điểm sáng đó để phát triển dệt may Việt Nam theo hướng tương tự.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận xét, quy hoạch điều chỉnh không đánh giá được năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam, liệu 15 – 20 năm tới, Việt Nam còn là quốc gia sản xuất dệt may hay không trong khi vẫn xác định tăng trưởng gấp 2 lần. Đề ra quan điểm sản xuất nguyên phụ liệu, nâng tỷ lệ nội địa hóa… nhưng không có đánh giá vì sao khách hàng phải mua nguyên phụ liệu trong nước.
Ngoài ra, Vinatex cũng cho rằng việc phân chia vùng miền phát triển chưa có tính quy hoạch. Nếu vẫn xác định ngành may là gia công XK, yếu tố hạ tầng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí, thời gian giao hàng của các DN trong ngành may.
Hơn nữa, việc quy hoạch để các DN tham gia vào khu công nghiệp (KCN) riêng cho ngành dệt may cũng không hề dễ dàng. Vấn đề là chi phí do KCN bỏ ra, với giá mà KCN thu của DN có đảm bảo đủ chi phí đầu tư ban đầu. Trong khi với ngành dệt may, mỗi một mét vải chỉ thêm chi phí 1.000 đồng để xử lý nước thải, DN đã giảm năng lực cạnh tranh rất nhiều.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nêu quan điểm: “Nội dung quy hoạch có cảm giác ghép từng mảng một thành quy hoạch. Hàng loạt số liệu còn vênh nhau. Mục công nghiệp may nhưng không có nội dung gì nói về công nghiệp may, toàn nói phụ trợ xơ sợi…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho rằng để tận dụng được cơ hội XK dệt may trong tương lai, ngành này cần một quy hoạch có tính định hướng dài hạn, trong đó tập trung tháo gỡ những nút thắt và hướng đến các giá trị cốt lõi.
Cụ thể, “ngành cần đầu tư cho phát triển khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vải trong nước, đồng thời nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho hàng hóa, góp sức phát triển khâu thiết kế”, ông Tuấn kiến nghị.
Lê Thúy
Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Ngành dệt may hiện phát triển không đồng đều, thượng nguồn vốn là khâu mang lại giá trị thặng dư cao lại chưa phát triển kịp khâu hạ nguồn. Vì vậy, việc xem xét, điều chỉnh nhằm tìm ra hướng phát triển phù hợp, ổn định cho ngành dệt may trong thời gian tới là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày một sâu rộng, cơ hội phát triển là rất lớn. Hiện, ngành may mặc đang cạnh tranh về lao động rất lớn. Không chỉ ở thời điểm trước mắt là những lao động được tuyển dụng, đào tạo ngắn hạn thiếu, mà về lâu dài, các trường cao đẳng, đại học có khoa dệt may, công tác tuyển sinh rất khó khăn. Do đó, quy hoạch mới cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm gỡ nút thắt này. Căn cứ vào bản quy hoạch hiện tại, nhiều địa phương đã xây dựng từng quy hoạch riêng, tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy đang rất chồng chéo giữa các quy hoạch này, nhất là vấn đề lao động. Vì không có quy hoạch tổng thể chung, một nơi không chỉ thu hút ngành dệt may mà thu hút thêm cả ngành khác. Không có sự phối hợp với nhau, điện tử đứng cùng dệt may, da giày. |